(VOV) – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Đơn vị nào làm không tốt sẽ không được tiếp tục tham gia xuất khẩu lao động.
“Con sâu làm rầu nồi canh”
Trong Chương trình “Đối thoại với Bộ trưởng” của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 11/1, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, trong lúc thị trường lao động trong nước còn hạn chế thì đưa lao động ra nước ngoài là chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có khoảng 500.000 lao động đang làm việc ở các nước. Thị trường quen thuộc là Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản…
Tuy nhiên, có một thực trạng là một số người lao động khi sang nước bạn đã không tuân thủ pháp luật nước sở tại, hoặc vì lợi ích cá nhân mà vi phạm quy định hợp đồng, trốn ra ngoài… Điều này đã gây khó khăn cho việc thực hiện hợp tác giữa Việt Nam với nước mà Việt Nam đưa lao động đến.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết: Vừa qua, nếu Bộ LĐ-TB&XH không tích cực dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ thì việc đưa 15.000 lao động sang Hàn Quốc sắp tới sẽ bị dừng. Phía Hàn Quốc yêu cầu không nhận lao động Việt Nam vì cho rằng lao động Việt Nam bỏ ra ngoài nhiều, thậm chí, một số mới đến sân bay đã bỏ trốn.
Bộ LĐ-TB&XH đã phân công 1 Thứ trưởng theo dõi lĩnh việc này, và đã phải trực tiếp làm việc với Ban quản lý nguồn lao động của nước bạn và có những cam kết rất cụ thể.
“Đến tháng 12/2011, chúng ta đã tổ chức thi và có khoảng 14.000 – 15.000 lao động đủ tiêu chuẩn để tới đây sang Hàn Quốc”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, cũng đã có trường hợp lao động Việt Nam khi đi lao động ở nước ngoài bị chủ thuê lao động ngược đãi, tịch thu visa phải sống lang thang, có trường hợp bị giết hại, nhưng các trường hợp này không nhiều.
Về nguyên nhân dẫn đến những vụ việc trên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyên, đầu tiên phải là ý thức tự giác của lao động và bản thân gia đình người lao động. Bên cạnh đó cũng có trách nhiệm của tổ chức đưa người đi lao động là không giáo dục một cách kỹ càng để họ thấy đây vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động khi đưa ra nước ngoài.
Bản thân tổ chức đưa người đi lao động ở nước ngoài cũng còn có những trường hợp chuẩn bị chưa kỹ nên dẫn đến “con sâu bỏ rầu nồi canh”.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị xuất khẩu lao động làm thật tốt, thật chặt. Đơn vị nào làm không tốt, chúng tôi đề nghị không được phép tham gia vào xuất khẩu lao động nữa.”
Nhiều cơ hội cho lao động về từ Lybia
Về vấn đề những lao động trở về từ Lybia bị mất việc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Lao động trở về từ Lybia đã được Chính phủ quan tâm tạo điều kiện. Ngay khi Lybia có biến cố về chính trị, Chính phủ chỉ đạo đưa thành công trên 10.400 lao động từ Lybia về nước.
Chính phủ phải chi phí để thuê các chuyên cơ, tàu biển để đưa lao động về nước. Tất cả lao động đều được trợ cấp ngay 1 triệu đồng/người. Sau đó, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo và đã ra quyết định hỗ trợ các lao động từ 8.000.000 đồng trở xuống, tùy theo thời gian lao động. Đặc biệt, các đối tượng nằm trong diện 62 huyện nghèo, ngoài hỗ trợ chung ra còn được hưởng thêm 50% so với các mức liên quan.
Có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã tư vấn các lao động về từ Lybia đi làm việc tại Malaysia và một số thị trường khác. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết thêm, rất nhiều người muốn quay trở lại làm việc tại Lybia.
Xuất phát từ nhu cầu của người lao động, trung tuần tháng 12/2011, đoàn công tác của Bộ LĐTB&XH đã sang làm việc với Bộ Lao động và An sinh xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì Thổ Nhĩ Kỳ có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư sang Lybia và hy vọng tới đây, khi tình hình chính trị của Lybia ổn định, các chủ đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quay lại nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Lybia, hoặc đưa sang các nước thứ ba khi các chủ đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ trúng thầu xây dựng các công trình ở các quốc gia khác.
“Có nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam, trong đó có những lao động về từ Lybia. Chúng tôi hy vọng lao động Việt Nam có cơ hội quay lại Lybia làm việc trong thời gian sớm nhất”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh./.
Lê Vũ/VOVonline