Không được phép đưa người đi xuất khẩu lao động, nhưng Bùi Ngọc Phương Hiếu (SN 1973, trú ở đường Tú Mỡ, phường 7, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) vẫn đăng báo tuyển người sang Australia lao động. Cựu Giám đốc Công ty TNHH Sáng tạo Việt đã phải trả giá cho hành vi sai trái của mình.
Có thể khẳng định, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng phương thức xuất khẩu phạm lao động do Bùi Ngọc Phương Hiếu cùng đồng phạm thực hiện là một trong những vụ án có quy mô lớn nhất so với những vụ án tương tự. Câu kết chặt chẽ với Hiếu là Đoàn Thị Kim Thanh – nguyên Giám đốc Công ty CP Đào tạo xuất khẩu Hà Nội, Vũ Như Dụ (trú ở TP Hồ Chí Minh) đã lần lượt bị các cấp tòa án tuyên phạt tù chung thân và 9 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước phiên tòa hôm qua (22-8)
Bùi Ngọc Phương Hiếu đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt tù chung thân theo tội danh trên. Tuy nhiên, xét thấy số người bị hại trực tiếp “dưới tay” cựu Giám đốc Công ty TNHH Sáng tạo Việt (gọi tắt là Công ty Sáng tạo Việt) tại Bản án sơ thẩm số 102/2009/HSST chưa chính xác nên ngày 17-8-2010, TAND Tối cao quyết định tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm của tòa án cấp dưới để điều tra, xét xử lại. Tại phiên tòa sơ thẩm hôm qua, hành vi phạm tội của Bùi Ngọc Phương Hiếu được xác định cụ thể là sau khi nhận hồ sơ của một số người có nhu cầu xuất khẩu lao động tại Hà Nội, Đoàn Thị Kim Thanh đã nhờ Vũ Như Dụ chắp mối để đưa những người này sang Australia làm việc. Tình cờ đọc được thông tin tuyển dụng người đi xuất lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Australia và Quatar của Công ty Sáng tạo Việt trên báo, Dụ đã tìm gặp và Hiếu “giúp đỡ”. Tại thời điểm giữa năm 2006, công ty của Hiếu “chiêu mộ” lao động sang Australia làm việc với các điều kiện ưu đãi là phải nộp 1.200USD/người (nộp tiền làm 3 giai đoạn) và phải biết tiếng Anh giao tiếp. Công ty của Hiếu cam kết, trong vòng từ 6 – 9 tháng sau khi nộp tiền, người có nhu cầu sẽ được xuất ngoại với mức lương 38.000 USD Australia/năm, thời gian làm việc trong 2 năm và có thể gia hạn thêm 2 năm nữa… Sau khi thống nhất mỗi lao động sẽ được hưởng công môi giới 100USD, Dụ đã thông báo cho Thanh để đối tượng này chuyển tiền và hồ sơ của hàng chục người đi lao động nước ngoài cho Hiếu.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Hiếu đã ký hợp đồng với một công ty Luật nước ngoài nhằm được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục pháp lý để được định cư và làm việc tại Australia. Ký được 8 hợp đồng cung ứng lao động cho chủ sử dụng lao động và một số doanh nghiệp tại nước bạn, Hiếu lập tức cho đăng tin tuyển người đi làm việc ở nước ngoài trên báo chí với các điều kiện như nêu ở trên. Do đó, chỉ trong vòng hơn một năm (từ tháng 2-2006 đến 4-2007), Bùi Ngọc Phương Hiếu đã thu gom được tiền đặt cọc của 45 người (thông qua 6 đầu mối) và 127 người thông qua công ty của Đoàn Thị Kim Thanh. Tổng cộng Hiếu đã nhận của những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Australia hơn 267,4 triệu đồng, 709.295USD và hơn 16.000 USD Australia… Nhưng do Công ty Sáng tạo Việt không có chức năng đưa người ra nước ngoài lao động nên toàn bộ số người đưa hồ sơ cho Hiếu đã không thể xuất cảnh. Ngay trước khi vụ án bị điều tra, Hiếu đã lần lượt trả lại tiền cho các đầu mối và một số bị hại nên tính đến thời điểm bị khởi tố, cựu Giám đốc Công ty Sáng tạo Việt còn chiếm đoạt gần 8 tỷ đồng. Với hành vi này, Bùi Ngọc Phương Hiếu bị đưa ra xét xử theo điểm a, khoản 4, Điều 139-BLHS.
Tại phiên tòa lần thứ 3 này
Cựu Giám đốc Công ty Sáng tạo Việt thành khẩn khai nhận lại toàn bộ quá trình phạm tội, song cho rằng không có ý định chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Giải thích vì sao chưa hoàn trả, khắc phục hậu quả cho hơn chục bị hại còn lại, Bùi Ngọc Phương Hiếu trình bày không còn tài sản, ngoại trừ căn nhà ở TP Hồ Chí Minh mà bị cáo đã đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng phát mãi. Xét hành vi phạm tội nguy hiểm của cựu Giám đốc Công ty Sáng tạo Việt, song bị cáo có nhân thân tốt, tích cực phối hợp với CQĐT và đã khắc phục được phần lớn hậu quả nên TAND TP Hà Nội quyết định tuyên Bùi Ngọc Phương Hiếu 20 năm tù giam theo tội danh bị truy tố.