Cả nước đã có 67.531 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2011. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành xuất khẩu lao động, vẫn khó có thể cán đích do Quốc hội đề ra đầu năm.
Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9/2011 là hơn 7.000 lao động. Trong đó, thị trường Đài Loan 3.559 lao động, Malaysia 824 lao động, Nhật Bản 751 lao động, Hàn Quốc 430 lao động, Lào 382 lao động, Campuchia 341 lao động, Ả rập Xê út 397 lao động, Macao 131 lao động, UAE 96 lao động, CH Síp 65 lao động, Liên Bang Nga 25 lao động…Đây là kết quả khá thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước.
Như vậy, tổng số lao động đưa đi trong 9 tháng đầu năm 2011 là 67.531 lao động. Trong đó, thị trường Đài Loan vẫn đứng đầu với 27.232 lao động, Hàn Quốc 14.564 lao động, Malaysia 7.488 lao động, Nhật Bản 4.921 lao động, Ả rập Xê út 3.186 lao động, Lào 3.111 lao động, Campuchia 2.093 lao động, Macao 1.415 lao động, UAE 963 lao động, Cộng hòa Síp 508 lao động, Israel 278 lao động, Algeria 204 lao động và các thị trường khác là 1.568 lao động.
Ngành xuất khẩu lao động gặp nhiều biến cố từ đầu năm tới nay.
Cùng với thay đổi chính sách, những rủi ro thị trường cũng đã tác động tiêu cực đến kế hoạch XKLĐ và thu hẹp thị trường của các DN XKLĐ. Cụ thể là trên bản đồ XKLĐ của VN, trong số 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện tại hoạt động cung ứng lao động chủ yếu chỉ tập trung ở 11 thị trường gồm trên.
Theo nhận định của lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhiều khả năng từ nay đến cuối năm ngành xuất khẩu không thể hoàn thành mục tiêu đưa 87 nghìn lao động như Quốc hội đã đề ra hồi đầu năm rất khó thực hiện. Bởi hiện nay, ngành này gặp khá nhiều khó khăn do những biến cố trong lĩnh vực xuất khẩu lao động: Cuộc nội chiến tại Libya khiến một lực lượng lớn lao động ngoại đang làm việc tại quốc gia này phải nhanh chóng hồi hương, trong đó có hơn 10 nghìn lao độngViệt Nam.
Động đất và sóng thần tại Nhật Bản cũng ảnh hưởng đến lao động Việt Nam đang làm việc tại đó. Mới đây, thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc cũng hầu như đóng băng do phía Chính Phủ Hàn Quốc tạm ngừng các cuộc thi tuyển lao động do tình trạng bỏ trốn của lao động nước ngoài trong đó Việt Nam đang trở thành vấn nạn ở quốc gia này…
Trong khi đó, những thị trường quen thuộc như Malaysia vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. Trong khi đó, thị trường Malaysia đã có những thay đổi tích cực về lương, chế độ đãi ngộ.
Theo báo cáo, hiện nay cơ quan chức năng đang tiến hành khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc bằng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ từ cấp địa phương. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra, vẫn cần hướng tới những thị trường có yêu cầu thấp, phù hợp với trình độ của số đông lao động nước ta như Malaysia, Đài Loan, Macao…
P. Thanh (Dân trí)