Xuất khẩu lao động : mất uy tín nguồn nhân lực Việt

Theo những công ty chuyên về xuất khẩu lao động, việc lao động trẻ khám sức khỏe tưởng là “chuyện phụ” nhưng kỳ thực đóng vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ, một khi đối tác kiểm tra không đạt, người lao động sẽ bị trả về nước.

 “Chỉ là tờ giấy lộn”

Khi chúng tôi trưng ra giấy chứng nhận sức khỏe ở Bệnh viện đa khoa Thủ Đức cũng như ở Bệnh viện Q.Tân Bình, (TP.HCM) và hỏi ý kiến nhận xét, ông Vũ Minh Xuyên – Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch Sovilaco (thuộc Bộ LĐ – TB và XH), nói ngay: “Cái này dứt khoát không được. Đây chỉ là tờ giấy lộn thôi. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận giấy khám sức khỏe ở các quận, huyện”. Đối với những hồ sơ chứng nhận sức khỏe của một số bệnh viện lớn dành cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ hoàn toàn bằng tiếng Việt, ông Xuyên cho hay: Mẫu khám sức khỏe thông dụng phải bằng tiếng Anh hoặc song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh). Theo ông Xuyên, tùy yêu cầu của phía đối tác, đôi khi có thêm những mẫu khám sức khỏe riêng trên cơ sở luật pháp VN chấp nhận.

Ông Trần Văn Thạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Suleco (thuộc Sở LĐ – TB – XH TP.HCM), khẳng định: “Ở đây, chúng tôi nhận chỉ mẫu khám sức khỏe bằng tiếng Anh hoặc song ngữ. Vì hồ sơ được gửi ra nước ngoài nên nhất thiết phải có tiếng Anh”. Ông Thạnh cho biết Suleco tham gia ký kết với một số bệnh viện (nằm trong danh sách được phép khám, chứng nhận sức khỏe cho người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài) do phía đối tác nước ngoài khảo sát và chỉ định, trong đó có những bệnh viện như: Chợ Rẫy, 30.4, Bưu điện… “Trong văn bản ký giữa Suleco với từng bệnh viện, hai bên cam kết rằng, nếu ở trong nước khám sức khỏe đạt yêu cầu mà người lao động sang nước ngoài khám lại không đạt, bệnh viện bên này phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, chi phí khám không hề thấp”, ông Thạnh nói.

Ông Phan Văn Phú, bộ phận thị trường Malaysia và Đài Loan (Công ty Suleco), thông tin thêm: từ giữa năm 2012 đến nay, bộ phận này chọn Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương để đưa lao động qua khám sức khỏe, với mức phí khám 1 triệu đồng/ người (do người lao động đóng). Công ty luôn cử nhân viên đi cùng người lao động để bám sát việc khám sức khỏe, nhằm phòng tránh những chuyện tiêu cực có thể xảy ra như tráo người, thay đổi hồ sơ khám sức khỏe…

Người lao động lãnh đủ

Đại diện một số công ty nổi tiếng về xuất khẩu lao động cho rằng, khám sức khoẻ là khâu đầu tiên, cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của việc lựa chọn ứng viên. Nếu sức khỏe không đạt, người lao động sẽ không được đi làm việc ở nước ngoài. Những thị trường “kỹ tính” như: Nhật, Singapore… có khi đòi hỏi người lao động phải khám sức khỏe 2 lần tại VN (trước khi phỏng vấn và trước ngày sang nước họ).

 

“Nếu làm đúng theo quy trình chặt chẽ thì khó có những trường hợp sai sót xảy ra. Còn nếu làm ẩu (bác sĩ khám sơ sài – PV), cuối cùng người lao động phải chịu thiệt thòi. Vì qua bên kia người ta khám lại rất kỹ, có thể phát hiện bất kỳ sự gian dối nào. Lúc đó, người lao động liên quan sẽ bị cho về nước”, ông Thạnh lưu ý. Cũng theo ông Thạnh, một số nước (như Hàn Quốc, Nhật Bản) chọn ngẫu nhiên hoặc toàn bộ số người lao động mới sang ngay tại sân bay, để đưa đi khám sức khỏe. Đối tác phía Malaysia cũng chú trọng kiểm tra định kỳ sức khỏe toàn diện của người lao động.

Ông Thạnh nhắc lại một vụ “tráo người” trong khi khám sức khỏe xảy ra cách đây mấy năm tại tỉnh Cần Thơ. Đó là trường hợp một cô gái sau khi có giấy chứng nhận sức khỏe tốt do bệnh viện địa phương cấp, đã được đi xuất khẩu lao động sang Malaysia. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, cô gái này bị phía nước bạn trả về, do sức khỏe không đạt. Lật lại hồ sơ khám sức khỏe trên, cơ quan chức năng phát hiện cô gái biết mình mắc bệnh nên đã nhờ người thân khám hộ. Đối với ca này, người lao động phải chịu phí tổn do lỗi gian dối của mình. Thế nhưng, đơn vị y tế cũng có trách nhiệm vì đã lơi lỏng, chủ quan dẫn đến việc khám không đúng người.

Tổng giám đốc Sovilaco Vũ Minh Xuyên chia sẻ kinh nghiệm: Thông tư hướng dẫn của liên bộ (giữa Bộ Y tế và Bộ LĐ – TB – XH) đã thống nhất các danh mục bệnh viện nào được khám sức khỏe đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Người lao động nên căn cứ vào đó, để khám ở những bệnh viện đủ tiêu chuẩn.

Còn ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho rằng, một khi việc khám sức khỏe còn qua loa, mang tính hình thức khiến người lao động bị trả về nước, sẽ gây ảnh hưởng lớn không chỉ đến bản thân người lao động mà còn ảnh hưởng đến thể diện nguồn nhân lực Việt.

Trên thực tế, đã có những quy định về “chuẩn” những bệnh viện được phép tổ chức khám và chứng nhận sức khỏe cho người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, những bất cập nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm tránh tình trạng khám sức khỏe sai chức năng hoặc mỗi nơi khám mỗi kiểu, giá tiền không đi đôi với chất lượng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *