Năm 2012, mặc dù khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu lao động, song Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vẫn đặt ra mục tiêu đưa 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
CôngThương – Ông Lê Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) – cho biết, năm 2012, nhu cầu tiếp nhận lao động tại các thị trường truyền thống sẽ tăng mạnh, một số thị trường tiềm năng mới được xúc tiến mở rộng. Mới đây, thị trường Nhật Bản đã thỏa thuận tiếp nhận một lượng lớn lao động có nghiệp vụ là y tá và hộ lý của Việt Nam sang làm việc với mức lương cao; Hàn Quốc cũng dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi với chỉ tiêu lao động 15.000 người; thị trường Libya sau một thời gian tạm ngưng, dự kiến đến tháng 6/2012, lao động Việt Nam tiếp tục trở lại làm việc.
Các thị trường phân khúc thấp như: Malaysia, Đài Loan… tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào các ngành nghề xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ và giúp việc gia đình… Bên cạnh đó, các thị trường mới như: Australia, Canada, Bahrain, Cộng hòa Séc… cũng được các doanh nghiệp khai thác. Đây là thị trường tiềm năng có thu nhập cao và an toàn.
Tuy nhiên, Cục QLLĐNN cho rằng, trong năm 2012, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Mặc dù kinh tế thế giới hiện đang dần hồi phục nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp với những diễn biến mới. Tình hình chính trị bất ổn tại các quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng như ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công ở một số quốc gia châu Âu dẫn đến việc thị trường lao động quốc tế bị thu hẹp, sụt giảm. Do đó, sự cạnh tranh giữa các quốc gia cung ứng lao động sẽ càng quyết liệt. “Để thực hiện được mục tiêu đưa 100.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài là việc không đơn giản” – ông Thanh khẳng định.
Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, theo ông Thanh, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động cần có sự phối hợp chặt chẽ. Đối với doanh nghiệp, cần tập trung phát triển một số thị trường trọng điểm, tích cực đưa người lao động tại 62 huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động. Đặc biệt, tập trung khai thác các thị trường truyền thống đang phục hồi như Malaysia, Libya, Nhật Bản…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chủ động cải thiện chất lượng lao động, đổi mới từ khâu tuyển chọn, nâng cấp đầu tư các cơ sở đào tạo… nhằm đáp ứng nguồn cung những thị trường đòi hỏi lao động có tay nghề cao, hướng tới các nước phát triển với những đơn hàng có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt và ổn định. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm nay. Ông Thanh cho hay, trong năm 2011, tình trạng lao động quá hạn không về nước, lao động làm việc bất hợp pháp… tại Hàn Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín ngành xuất khẩu lao động Việt Nam. Chính vì thế, năm 2012, cần phải chấn chỉnh và quản lý lao động chặt hơn, tuyên truyền để người lao động rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật và tuân thủ pháp luật khi tham gia làm việc tại các nước.
Song song với hệ thống đào tạo nghề quốc gia, cục sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm ngoài nước; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu lao động xây dựng các cơ sở đào tạo; chú trọng triển khai các chương trình chuẩn hóa trong đào tạo, đặc biệt chú ý đến ngoại ngữ để người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề và thị trường.
Ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN – chia sẻ, thời gian tới, cục tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao năng lực hoạt động thông qua cung cấp thông tin, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo cán bộ…; tập trung thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, xử lý các hiện tượng lừa đảo, tiêu cực trong quá trình đưa lao động đi nước ngoài làm việc.
Khánh Thiện