Xây nền cho việc dạy nghề

 

Nhiều địa phương tích cực triển khai các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn nhưng hiệu quả chưa cao.

Những người chưa đi học nghề, thấy người đã học xong nghề vẫn thất nghiệp thì họ sẽ không có động cơ để đi học, cho nên nhiều khóa học không có học viên. Có không ít người có thời gian, đi học không mất tiền nên tham gia, nhưng bỏ nửa chừng vì không theo kịp chương trình.

Dù với những nghề đơn giản nhất, người học cũng cần phải có trình độ văn hóa thì mới tiếp thu tốt chương trình, nhưng thanh niên vùng nông thôn đa số học vấn thấp, nên chất lượng học nghề không cao. Nếu học xong chứng chỉ nghề mà tay nghề non kém thì khó có việc làm. Học viên tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề nhưng thất nghiệp một phần vì việc làm vùng nông thôn không nhiều, một phần vì tay nghề của họ không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Sự hạn chế trình độ văn hóa ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của đào tạo nghề và các hoạt động liên quan. Đào tạo nghề chỉ có thể có hiệu quả khi học viên có trình độ văn hóa đủ để tiếp thu kiến thức, càng cao càng tốt. Có trình độ văn hóa không chỉ tiếp thu nhanh kiến thức và kỹ năng mà còn có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết của việc học nghề.

Cho nên đầu tư giáo dục cho vùng nông thôn cũng có nghĩa là xây nền cho dạy nghề và giải quyết việc làm. Còn “vùng trũng giáo dục” ở nông thôn thì khó lấp đầy việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Lê Chân Nhân(Báo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *