Trai làng lao đao vì bị lừa đi xuất khẩu lao động

Về quê vợ tự giới thiệu mình có người bà con làm ăn bên Úc, Nguyễn Tấn Đạt (SN 1977, quê Quảng Ngãi, trú tại ấp 7, đường Phan Văn Hớn, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh) đã lừa hàng trăm triệu đồng của 7 thanh niên tại xã Hương Toàn, huyện Hương Trà (TT-Huế).      Lừa cả dân nghèo

Bà Nguyễn Thị Lan, 68 tuổi, thương binh 3/4, trú xã Hương Toàn có một người con rể và hai người cháu bị Đạt lừa 140 triệu đồng bức xúc kể: là chỗ bà con hàng xóm với nhau, năm 2006, vợ chồng Đạt ra thăm quê nói có người bà con bên Úc sắp lập trang trại cần người sang làm công nhân, ai muốn đi thì nộp 100 triệu để lo thủ tục.

Giấy hẹn trả tiền của Đạt.
Giấy hẹn trả tiền của Đạt.

Tin lời, ba người con và cháu của bà gồm Lê Quang Phương (1972), Nguyễn Phi Hùng (1981) và Cận Xuân Lương (1985) cầm sổ đỏ ra ngân hàng vay 140 triệu để đưa cho Đạt. Bốn người còn lại đưa cho Đạt 212 triệu đồng gồm anh Lê Đình Hiệt (1972); Nguyễn Ngọc Giàu (1984); Trần Như Tiến (1982) và Nguyễn Xuân Kiệm (1985). Tổng số tiền mà Đạt nhận  là 352 triệu đồng, có giấy viết tay biên nhận.

 
Những thanh niên bị lừa tiền có hoàn cảnh rất khó khăn, có gia đình phải chạy ăn từng bữa.Sau khi nhận tiền, Đạt hứa 15 ngày sau sẽ gọi vào phỏng vấn nhưng khi 7 thanh niên này khăn gói vào ăn chực nằm chờ hơn một tuần vẫn không thấy cơ quan nào gọi nên đành ra về.

 
Khoảng 20 ngày sau, Đạt gọi điện bảo những thanh niên này chuyển nốt số tiền còn lại rồi vào phỏng vấn nhưng vì nghi ngờ nên  họ không chuyển mà nói với Đạt lần này phỏng vấn thành công sẽ chuyển hết số tiền còn lại. Thế nhưng, khi vào đến nơi, Đạt nói bên tuyển dụng chưa sang Việt Nam được, hẹn lại một dịp khác.Bức xúc vì nghĩ mình bị lừa, những thanh niên này kéo đến nhà hỏi thì Đạt viết giấy hẹn: “Trước ngày 30/6/2007 sẽ hoàn trả số tiền 352 triệu đồng, nếu không trả sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Kèm theo giấy hẹn trả tiền, Đạt đưa cho 7 thanh niên này một tấm bằng tốt nghiệp Đại học và nhiều chứng chỉ hành nghề xây dựng khác.

Đến thời hạn trả lại tiền không thấy Đạt nói gì, bố mẹ của những thanh niên này lại khăn gói vào TP.Hồ Chí Minh tìm nhưng Đạt cố tình lẩn tránh. Biết mình bị lừa, họ đành gửi đơn đến cơ quan công an nhưng thật trớ trêu, “quả bóng” trách nhiệm lại bị các cơ quan này đùn đẩy trong khi có cơ sở khẳng định Đạt nhận tiền để lo đi Úc của những thanh niên này là có thật.
       
Công an đùn đẩy trách nhiệm?

Ông Trần Như Bàn, có  con là Trần Như Tiến kể trong nước mắt: “Hai vợ chồng tôi suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quần quật từ sáng đến tối cũng chỉ kiếm được 70 nghìn đồng. Khi nghe Đạt ngon ngọt dụ dỗ, chúng tôi đã thế chấp cả căn nhà vay ngân hàng 50 triệu để đưa cho Đạt, ai ngờ lại bị nó lừa, 2 vợ chồng làm được bao nhiêu không đủ trả lãi cho ngân hàng”.

 
Ông Bàn cho biết thêm, trước sự việc trên, ông đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an huyện Hương Trà nhưng cơ quan này trả lời, vụ việc có liên quan đến bà Sandi người Úc nên đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế xử lý.Sau khi nhận đơn, Cơ quan CSĐT (PC14) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với cơ quan CSĐT Công an TP.Hồ Chí Minh xác minh và có cơ sở kết luận, Nguyễn Tấn Đạt đã nhận số tiền 352 triệu đồng của 7 thanh niên trên để làm hồ sơ đi Úc  là có thật. Cơ quan này cũng cho biết, Đạt đã đổi số tiền đó ra 35.500 đô la Úc và đưa Lê Văn Lĩnh (SN 1973, trú tại 55/17, Trưng Trắc, Trảng Bàng, Tây Ninh. Tạm trú 224, Lô H, Chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh).

 
Nhận tiền xong, Lĩnh không đưa được những thanh niên này đi Úc như đã hứa nên ngày 6/5/2007, Nguyễn Tấn Đạt đã làm đơn tố cáo Lê Văn Lĩnh có hành vi chiếm đoạt tài sản gửi Cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Cơ quan này không thụ lý mà chuyển đơn của Đạt đến Công an quận 3, TP.Hồ Chí Minh vì cho rằng Lĩnh tuy đăng ký hộ khẩu tại Tây Ninh nhưng việc giao dịch của Lĩnh diễn ra tại quận 3 nên chuyển cho Công an quận này xử lý. Ông Bàn khăn gói vào quận 3 thì cơ quan này  hứa một tháng sau sẽ giải quyết song từ đó đến nay vẫn không thấy hồi âm. Tiếp xúc với chúng tôi, những ông bố bà mẹ đưa tiền cho Đạt nước mắt ngắn dài, than thở vì nhẹ dạ cả tin giờ không biết lấy tiền đâu để trả nợ cho ngân hàng. Họ lại càng mất niềm tin hơn khi có đủ bằng chứng cho thấy Đạt đã lừa tiền nhưng các cơ quan chức năng vẫn để Đạt sống nhởn nhơ và vụ việc của họ có dấu hiệu bị “chìm xuồng”. Qua bài viết này, xin cảnh báo những người dân quê cần cảnh giác với chiêu bài tuy không mới nhưng dễ bị mắc lừa. Và Cơ quan CSĐT công an quận 3, TP.Hồ Chí Minh cũng nên sớm có kết luận điều tra để trả lại công bằng cho người dân.

Quang Tám- Bảo Hòa(phapluatvn.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *