Tổng kết Quý I – 2023: Xuất khẩu lao động tăng gấp 15 lần

Trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 lao động, đạt 34,48%, và gấp hơn 15 lần so với kỳ Quý I của năm 2022.

Đoàn lao động CEMA xuất cảnh Đài Loan 20/03/2023

Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 03/2023 là 9.494 lao động (trong đó có 3.420 lao động nữ), gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2022 (tháng 03/2022 là 1.096 lao động, trong đó có 319 lao động nữ). Con số trên bao gồm các thị trường: Nhật Bản 5.223 lao động (2.392 lao động nữ), Đài Loan 3.435 lao động (930 lao động nữ), Trung Quốc 278 lao động nam, Hồng Kông 137 lao động nam, Hàn Quốc 48 lao động nam, Hungary 124 lao động (61 lao động nữ), Rumani 25 lao động và các thị trường khác. Như vậy, chỉ với 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 37.923 lao động (12.872 lao động nữ), đạt 34,48% kế hoạch năm 2023 và gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một con số đáng tự hào, nó thể hiện rằng nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người dân ngày càng tăng cao, góp phần vào việc mở rộng thị trường việc làm, phát triển nền kinh tế đất nước. Trong đó, thị trường Nhật Bản 17.696 lao động (6.972 lao động nữ), Đài Loan 18.044 lao động (5.648 lao động nữ), Trung Quốc 517 lao động nam, Singapore 364 lao động nam, Hàn Quốc 278 lao động nam, Hungari 204 lao động (101 lao động nữ), Rumani 223 lao động và các thị trường khác. Mục tiêu Bộ Lao động Thương binh Xã hội đề ra trong năm 2023 là tăng dần số lượng lao động Việt Nam có tay nghề đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định, đồng thời tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống. Song song với việc mở thêm các thị trường mới thì việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được chú trọng. Để đạt được mục tiêu trên, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng phải chủ động hơn trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, cần tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc nước ngoài với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm sao có nguồn lao động, đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, để lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lao động, công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được đẩy mạnh. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *