Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những người xuất khẩu lao động, Nguyễn Hoài Nam và đồng bọn đã đưa người xuất cảnh trái phép. Sự thật về đường dây “xuất khẩu lao động” này đã được chính những nạn nhân trở về tố cáo.
Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ vừa tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoài Nam, 36 tuổi, thường trú tại xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, là đối tượng cầm đầu đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.
Cùng bị bắt giữ với Nguyễn Hoài Nam còn có Đinh Thị Hiền, 31 tuổi; Đinh Công Khá, 39 tuổi; Hoàng Thị Đông, 32 tuổi và Trần Thị Hằng, 36 tuổi, tất cả các đối tượng trên đều trú tại 2 huyện Yên Lập và Cẩm Khê của tỉnh Phú Thọ. Bước đầu các đối tượng khai nhận đã tổ chức cho trên 200 người, thuộc các địa bàn Yên Lập, Cẩm Khê, Tân Sơn, Hạ Hòa xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.
Từ năm 2009 đến 2011, qua công tác trinh sát, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện tại một số địa bàn như: Yên Lập, Cẩm Khê, Tân Sơn, Hạ Hòa, Tam Nông… có nhiều công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Hoài Nam, 36 tuổi, thường trú tại xã Xuân An, huyện Yên Lập tỉnh Phú Thọ, ngoài ra còn có sự tham gia của các đối tượng Đinh Thị Hiền, 31 tuổi, thường trú tại xã Xuân An, Đinh Công Khá, 39 tuổi, Hoàng Thị Đông, 32 tuổi, thường trú tại xã Lương Sơn, huyện Yên Lập và Trần Thị Hằng, 36 tuổi, thường trú tại xã Phượng Vỹ, huyện Cẩm Khê.
Việc tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ảnh hưởng đến tình hình lao động sản xuất cũng như việc triển khai, thực hiện các chính sách tại địa phương. Nghiêm trọng hơn, nhiều lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc khi trở về địa phương đã mang theo các tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng.
Trước tình hình trên, Phòng An ninh điều tra đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị chức năng, Công an các huyện, thành, thị phối hợp rà soát, lập danh sách các trường hợp lao động người Việt xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc trên địa bàn.
Quá trình rà soát cho thấy, toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 1.054 trường hợp xuất cảnh sang Trung Quốc, trong đó có khoảng 960 trường hợp xuất cảnh trái phép. Thủ đoạn của Nguyễn Hoài Nam và đồng bọn là lợi dụng nhu cầu cần việc làm của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn để tuyên truyền, lôi kéo. Sau khi thu tiền từ 5 – 6 triệu đồng/trường hợp, Nguyễn Hoài Nam tìm cách câu kết, móc nối với một số đối tượng là người Việt Nam, hoặc người Trung Quốc sống ở vùng biên giới Việt – Trung để tổ chức cho số lao động này xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.
Về phía người lao động, do đa phần đều là những người dân ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nên dễ dàng tin và nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng. Chỉ tới khi đặt chân tới Trung Quốc, họ mới thực sự vỡ mộng.
Trường hợp Lê Quảng Ninh, thường trú tại xã Xuân An, huyện Yên Lập là một ví dụ điển hình. Năm 2009, nghe theo đám bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo, Lê Quảng Ninh đã được một người tên H. hứa đưa sang Trung Quốc lao động với thu nhập cao mà không cần bất cứ thủ tục gì. Khi vừa vượt qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đặt chân lên đất Trung Quốc, Lê Quảng Ninh và 20 lao động khác đã bị bắt giữ. Trong thời gian bị giam giữ tại Trung Quốc, mỗi bữa anh chỉ được ăn một bát cơm, mỗi tuần được tắm giặt 1 lần, ngoài ra nếu nói chuyện, hoặc gây mất trật tự trong phòng giam sẽ bị lính gác gọi ra ngoài đánh đập.
Tuy nhiên, những người này còn may mắn bởi họ còn có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình và người thân, nhưng với Nguyễn Thị Mùi, 21 tuổi, thường trú tại xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ thì ngày trở về lại là ngày mà cha mẹ em rơi vào tột cùng của nỗi đau. Hơn 1 năm lao động bôn ba nơi xứ người, Mùi dành dụm được 20 triệu đồng gửi về gia đình. Niềm vui của bố mẹ Mùi chưa trọn vẹn thì gia đình nhận được thông báo, Mùi đã chết do tự vẫn. Tuy nhiên cho đến tận bây giờ, chị Nguyễn Thị Bích là mẹ đẻ của Mùi vẫn không biết con gái mình chết do tự vẫn hay do nguyên nhân nào khác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Mào, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết, Lương Sơn là xã có diện tích và dân số lớn nhất của huyện Yên Lập. Trên địa bàn xã hiện có khoảng 300 người đang lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc. Vấn đề trên đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền xã nhiều khó khăn thách thức trong việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, việc tổ chức lao động sản xuất cũng như việc triển khai thực hiện các chính sách xã hội khác tại địa phương. Bên cạnh đó, không ít gia đình đi lao động tại Trung Quốc đã phó mặc việc chăm sóc, quản lý giáo dục con cái cho ông bà, họ hàng và những người thân, từ đó dẫn tới nhiều đứa trẻ học hành xa sút, lao vào chơi bời, nghiện ngập…
Các đối tượng cầm đầu đường dây tổ chức người khác trốn đi nước ngoài rồi đây sẽ bị đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Nhưng qua vụ việc trên, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các địa phương nơi có người lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc cần có cơ chế và chính sách cụ thể như việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ vốn, vật tư, con giống để bà con yên tâm lao động sản xuất đồng thời có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng “chảy máu lao động” như hiện nay
(theo CAND)