Tin xuất khẩu lao động

Khởi tố nữ Hiệu phó về hành vi lừa đảo

Bà Nguyễn Thị Loan, Hiệu phó Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật mỹ nghệ Việt Nam, bị CQĐT CAH Gia Lâm khởi tố để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu điều tra ban đầu của cơ quan công an, từ năm 2010 đến nay, bà Loan đã nhận tiền, hồ sơ của 23 người, hứa hẹn sẽ giúp đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Số tiền các bị hại tố cáo, trình báo, đã thông qua nhiều kênh hoặc trực tiếp nộp cho bà Loan gần 1,5 tỷ đồng và 7.500 USD. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn không ai đi được. Việc giao nhận tiền giữa các bị hại với bà Loan đều có giấy tờ giao nhận tiền có chữ ký xác nhận của bà Loan. Tuy nhiên, giấy giao nhận chỉ thể hiện lý do nhận tiền để “lo công việc”, không nói rõ để xin đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc.

“Mặc dù có kết luận giám định chữ ký, chữ viết thể hiện đúng do Nguyễn Thị Loan viết nhưng bà Loan không thừa nhận đó là chữ ký chữ viết của mình thể hiện lời khai gian dối, không thành khẩn”, điều tra viên thụ lý vụ án cho biết, và khẳng định CQĐT đã thu thập đủ bằng chứng, tài liệu để ra quyết định khởi tố bị can đối với nữ Hiệu phó Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật mỹ nghệ Việt Nam.

Đáng chú ý, quá trình làm việc với Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, CAH Gia Lâm nắm được quy định việc tổ chức kiểm tra năng lực tiếng Hàn, tuyển chọn các cá nhân sang Hàn Quốc làm việc thì mỗi thí sinh chỉ phải nộp số tiền Việt Nam tương đương 24 USD, ngoài ra không phải nộp số tiền nào khác. Đối với các thí sinh đạt yêu cầu qua kiểm tra năng lực tiếng Hàn Quốc sẽ làm hồ sơ đăng ký dự tuyển để các chủ sử dụng lao động Hàn Quốc tuyển chọn. Không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào của Việt Nam can thiệp, xin, chạy cho được ai đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc được. Bà Loan hiện bị CQĐT áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cảnh báo lừa đảo tuyển chọn lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài

 
Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) đã ra thông tin cảnh báo về việc đang có một số cá nhân, doanh nghiệp tổ chức lừa đảo người lao động đi làm việc tại Angola. Cho đến nay, Bộ LĐTB-XH chưa cho phép bất cứ doanh nghiệp nào được đưa lao động sang làm việc tại đất nước này. Vì vậy, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần phải cảnh giác khi tiếp nhận các thông tin về xuất khẩu lao động, tránh bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng, lừa đảo.

Theo quy định của Angola, lao động nước ngoài chỉ được phép làm việc cho công ty có tên trong thị thực nhập cảnh. Do đó, một số người lao động Việt Nam đã bị công an bắt và trục xuất.

Theo ghi nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, trong năm 2012, tai nạn lao động và dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 18 công dân Việt Nam. Nếu người lao động nhận được thông tin tuyển chọn hoặc có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nói chung và đi Angola nói riêng, có thể liên hệ với Cục Quản lý Lao động Ngoài nước theo số điện thoại 043.8249517 (bấm tiếp số máy lẻ 511, 601, 312 hoặc 302) hoặc Văn phòng Hỗ trợ Lao động Ngoài nước tại số máy 043.9366633, hoặc Sở LĐTB-XH các địa phương, hoặc qua Trung tâm giới thiệu việc làm địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *