Thuyền viên của Vinashinlines trên các con tàu bị cầm giữ ở xứ người lại gửi đơn cầu cứu vì phải sống vất vưởng, thiếu thốn, bệnh tật trên các con tàu mang nợ ở xứ người
Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines – Bộ GTVT) đứng “đầu bảng” có nhiều tàu biển mắc kẹt tại nước ngoài. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 27-12, ông Nguyễn Quế Dương, Tổng Giám đốc Vinashinlines, nói dù biết thuyền viên đang cơ cực, khó khăn nhưng chưa biết cách nào giải quyết.
Cùng cực
Cách đây vài hôm, Vinashinlines nhận được thư của thuyền viên tàu New Phoenix gửi từ Đại Liên – Trung Quốc, miêu tả ở Đại Liên rét cắt da cắt thịt, nhiệt độ xuống tới âm 120C-150C nhưng họ không có thực phẩm và toàn bộ nước dự trữ đã đóng băng, phải đập từng cục băng nấu rất lâu mới nóng.
Thư gửi cách đây chưa lâu của 22 thuyền viên tàu Cái Lân 4 (bị giữ tại Ấn Độ từ cuối tháng 10) cũng cho biết tiền và lương thực đã hết. Hồi tháng 9, thủy thủ trên tàu Sea Eagle đang ở Chiết Giang – Trung Quốc cũng liên tục gửi thư than tàu hiện giờ không điện, không khả năng hoạt động; thuyền viên phải lên bờ hái rau dại, bắt ốc để ăn.
Cũng trong thế bất động ở Chiết Giang là con tàu nổi tiếng nhất Việt Nam – tàu Hoa Sen. Theo phản ánh của thuyền viên, họ bị nợ lương cả năm trời và phải sống trong cảnh không có điện. 19 thuyền viên trên tàu Diamond Way đang mắc kẹt tại Ả Rập Saudi cũng trong tình cảnh tiền và nhiên liệu đã hết.
Quá bức xúc nên ngoài việc gửi thư đề nghị hỗ trợ tới Vinalines, Vinashinlines, Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao, thuyền viên còn kêu cứu báo chí. “Một số thuyền viên mắc bệnh ngoài da, đường ruột… phải cố chịu đựng vì thuốc trên tàu đều quá hạn hoặc không còn kể từ khi tàu dừng hoạt động. Thuyền viên có đi bệnh viện cũng không thể vì tàu nằm cách xa bờ 2 hải lý, phải phụ thuộc vào thuyền của nhà máy Xinya (Trung Quốc)” – trích đơn kêu cứu của thuyền viên tàu Hoa Sen. Một số thuyền viên gọi điện về gia đình để xin giúp đỡ về nước nhưng cũng gặp khó bởi toàn bộ hộ chiếu bị đại lý hàng hải của công ty giữ.
Chưa nắm chính xác số thuyền viên mắc kẹt (?!)
Ông Đỗ Đức Tiến, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết đã nhiều lần yêu cầu Vinalines, Vinashinlines và các chủ tàu khác tìm mọi cách bảo đảm cuộc sống của thuyền viên đang bám trụ trên các con tàu mắc kẹt ở các vùng biển nước ngoài; phối hợp với Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để yêu cầu chủ tàu tuân thủ đúng quy định của Luật Hàng hải và Luật Lao động.
Ông Tiến cũng cho biết đang phối hợp với Cục Lãnh sự để trường hợp chủ tàu “bó tay” thì phải giải quyết theo tình trạng khẩn cấp, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại nước đó thực hiện bảo hộ công dân. Hiện rất khó biết chính xác số tàu và thuyền viên đang mắc kẹt ở nước ngoài do chủ tàu “ngại” khai báo thật. Mặt khác, có những thuyền viên thuộc chủ tàu của Việt Nam quản lý nhưng cũng có nhiều người đi làm việc trên những tàu do nước ngoài quản lý hoặc đi theo hợp đồng xuất khẩu lao động nên khó thống kê được.
Bán tàu, xin phá sản cũng khó
Vinashinlines thành lập vào tháng 8-2000, trước đây thuộc Vinashin và từ tháng 7-2010 được chuyển giao cho Vinalines. Trước tình thế càng kinh doanh càng lỗ, Vinashinlines đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép bán tàu Hoa Sen nhưng chưa được giải quyết.
Bộ GTVT đã nhiều lần họp với Vinalines và Vinashinlines để xử lý khó khăn về tài chính đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm ứng 200 tỉ đồng nhưng theo ông Dương, hiện chưa có thông tin nào về số tiền “cứu trợ” này. Vinashinlines muốn phá sản, bán tàu cũng phải có lộ trình bởi đây là tài sản Nhà nước nên muốn bán thì phải trả hết nợ thì mới hy vọng có người mua.
Theo Luật Hàng hải, chủ nợ có quyền bắt giữ tàu khi tàu còn nợ tiền mà không cần quan tâm chủ cũ – mới thế nào. Hiện công ty chỉ có 2 tàu hoạt động, có nguồn thu nhưng không đủ bù chi phí cho 16 tàu đang nằm bẹp một chỗ (khoảng 10 tỉ đồng/tháng). Tại trụ sở Vinashinlines, nhiều người đã nộp đơn xin nghỉ việc.