thiếu hành lang pháp lý bảo vệ người lao động Việt nam tại nước ngoài

 

    Thiếu cơ chế bảo vệ người lao động (NLĐ) khi đi làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là thiếu sự bảo vệ trực tiếp của các tổ chức công đoàn đã khiến không ít NLĐ Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro nơi đất khách quê người.

Đối mặt với rủi ro

Theo thống kê gần nhất của Bộ LĐ-TB&XH, hằng năm, Việt Nam đưa khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm khoảng 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm. Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc hợp pháp tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Con số này có xu hướng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế bảo vệ hữu hiệu, nhiều NLĐ Việt Nam đang là đối tượng bị ngược đãi, xúc phạm nhân phẩm, bóc lột sức lao động.

Từ năm 2010, trong hội thảo Thực hiện chính sách pháp luật về xuất khẩu lao động, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cảnh báo: Ngày càng có nhiều người lao động xuất khẩu Việt Nam bị đối xử không công bằng, bị lạm dụng, thậm chí là bóc lột, cưỡng bức làm việc trong điều kiện tồi tàn, mức lương thấp. Thậm chí, có lao động bị thu giữ hộ chiếu, giấy tờ tùy thân khiến các quyền lợi chính đáng không được bảo vệ. Tại hội thảo “Vai trò của Công đoàn trong công tác bảo vệ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài” do Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức vừa kết thúc ngày 27-2 vừa qua, vấn đề bảo vệ quyền lợi của NLĐ lại được đặt ra. Theo đại diện Ban Chính sách pháp luật của Tổng LĐLĐ Việt Nam, phần lớn NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không được tổ chức công đoàn bảo vệ. Vì vậy, khi có rủi ro, bất trắc, NLĐ phải tự thân vận động.

Thiếu cơ chế bảo vệ

Từ năm 2006, Quốc hội đã thông qua Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cùng với đó, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Song, do hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực xuất khẩu lao động chưa đồng bộ, cũng như việc triển khai chưa hiệu quả nên quyền và lợi ích của NLĐ khi làm việc tại nước ngoài chưa thật sự được bảo đảm. Đáng chú ý, phần lớn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hiện nay chưa được tổ chức công đoàn trực tiếp bảo vệ.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, phần lớn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đều qua các tổ chức kinh tế có giấy phép kinh doanh hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động. Do đó, việc giám sát, kiểm tra bảo vệ lợi ích của NLĐ chủ yếu do các tổ chức kinh tế đó thực hiện và tổ chức công đoàn chỉ thực hiện việc giám sát thông qua việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và qua việc tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh khi đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Do pháp luật chưa nêu rõ vai trò, cơ chế hoạt động của công đoàn trong việc bảo vệ NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài nên hiện nay, tại nhiều địa phương, công đoàn không có “chân” trong Ban chỉ đạo chương trình xuất khẩu lao động. Không được tham gia, công đoàn không nắm bắt được thông tin về các đơn vị về tuyển dụng NLĐ tại địa phương, chính sách tuyển dụng cũng như những quyền lợi NLĐ cần được tư vấn. Thiếu thông tin ngay từ khâu tuyển chọn, việc giám sát của công đoàn với các công ty này khi đưa NLĐ ra nước ngoài càng khó thực hiện. Nhiều người cho rằng, đây đang thực sự là một thách thức bởi các tổ chức công đoàn hiện nay đang gặp những hạn chế về năng lực tài chính, nhân lực và không thuộc các thỏa thuận ký kết giữa các chính phủ.
Đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ NLĐ Việt Nam làm việc tại nước ngoài, ông Pong Sul Ahn – chuyên gia cao cấp của ILO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, đã đến lúc cần phải sửa đổi luật pháp và vai trò của công đoàn trong bảo vệ NLĐ làm việc ở nước ngoài cần được luật hóa.

Pháp luật quy định, công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của NLĐ, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, tuy nhiên tại Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 1996 và Luật Công đoàn mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, vấn đề công đoàn bảo vệ NLĐ khi làm việc tại nước ngoài vẫn bị bỏ ngỏ. Đã đến lúc cần lấp đầy các khoảng trống này bởi những quy định của pháp luật chính là cơ sở pháp lý cho tổ chức công đoàn tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp đối với NLĐ khi làm việc tại nước ngoài. Nếu được bổ sung, điều này cũng có ý nghĩa mang lại “chiếc phao” bảo đảm an toàn cho NLĐ Việt Nam khi bước ra thị trường lao động thế giới.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *