Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2018, Cục được giao chỉ tiêu đưa 110.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. 5 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động (LĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là hơn 48.000 LĐ (40% là nữ), đạt 44% kế hoạch năm. Trong đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) khoảng gần 25.000 LĐ, Nhật Bản hơn 17.000 LĐ, Hàn Quốc gần 2.700 LĐ, Saudi Arabia hơn 850 LĐ.
Về tình hình LĐ tại một số thị trường, đại diện Cục QLLĐNN cho biết: Tại Đài Loan, hiện có 207.000 LĐ Việt Nam đang làm việc, thu nhập đạt khoảng 16 triệu đồng/người/tháng; tại Nhật Bản có 100.000 LĐ Việt Nam đang làm việc, thu nhập đạt khoảng 26 triệu đồng/người/ tháng; tại Hàn Quốc có 49.000 LĐ Việt Nam đang làm việc, thu nhập đạt khoảng 26 triệu đồng/người/ tháng; tại Malaysia có 50.000 LĐ Việt Nam đang làm việc, thu nhập đạt khoảng 10 triệu đồng/người/ tháng; tại Saudi Arabia có khoảng 9.000 LĐ Việt Nam đang làm việc, thu nhập đạt khoảng 9 triệu đồng/người/ tháng. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác lao động với Hàn Quốc, Malaysia và Thái-lan. Bên cạnh đó đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động tại một số thị trường như Nhật Bản, Đài Loan. Từ việc mở rộng thị trường lao động, mỗi năm LĐ từ nước ngoài đã gửi về số tiền lên hàng tỷ USD. Nguồn lực này không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo mà nhiều hộ gia đình còn giàu lên trông thấy nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhiều ngôi nhà mới, khu dân cư mới khang trang đã mọc lên ở không ít làng quê nhờ đồng tiền mà người đi XKLĐ gửi về cho gia đình, người thân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thời gian qua một số LĐ Việt Nam tại các nước đã có những hành vi vi phạm hợp đồng lao động, tình trạng LĐ bỏ trốn ở nước sở tại làm ảnh hưởng đến công tác XKLĐ. Đứng trước thực tế này, ngoài việc tiến hành mở rộng thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH hiện cũng đã tiến hành siết chặt khâu quản lý LĐ làm việc tại nước ngoài. Theo đó, Bộ đã chỉ đạo Cục QLLĐNN thực hiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho các doanh nghiệp (DN) một cách chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo đảm chỉ có các DN đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (về vốn, nhân sự, cơ sở vật chất) mới được phép hoạt động trong lĩnh vực này. Tính đến nay, đã có 328 DN được cấp giấy phép. Hầu hết các DN này có trụ sở chính tại Hà Nội (chiếm khoảng 60%), tại TP Hồ Chí Minh (chiếm khoảng 20%) và 20% là DN có trụ sở chính tại các địa phương khác. Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng cò mồi, môi giới hay DN lạm thu phí, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các quy định cụ thể về mức chi phí đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (phí môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ). Thông tin cụ thể về chi phí để đi làm việc theo các hợp đồng được Bộ thẩm định cũng đã được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục QLLĐNN. Nhằm giữ vững những thị trường truyền thống và chủ chốt (Nhật Bản, Đài Loan) cũng như thị trường đang tiếp nhận LĐ giúp việc gia đình (Saudi Arabia), Bộ cũng đã xây dựng các điều kiện để bảo đảm chỉ các DN đáp ứng đủ điều kiện mới tham gia cung ứng LĐ sang các thị trường này. Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ và tăng thị phần ở các thị trường XKLĐ truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, các nước Trung Đông; tập trung thực hiện triển khai Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận LĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc; kiểm tra, thanh tra hoạt động của DN XKLĐ, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm quy định của Nhà nước. Để tiếp tục có thêm nhiều LĐ đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH xác định ba khâu đột phá, đó là: Tiếp tục duy trì tốt các thị trường truyền thống gắn với mở rộng các thị trường mới; siết chặt hoạt động của các DN XKLĐ đồng thời nâng cao kiến thức pháp luật và tay nghề chuyên môn cho NLĐ khi đi LĐ ở nước ngoài nhằm đáp ứng các điều kiện từ phía nước sở tại. |
(Theo báo Nhân dân: http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/item/36985402-siet-chat-quan-ly-hoat-dong-xuat-khau-lao-dong.html )