Ở lại nước ngoài trái phép có thể bị xử phạt tới 100 triệu đồng

(kiemsat.vn) Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng mà không phải do bị cưỡng bức lao động là một trong các nội dung được quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vừa được Chính phủ ban hành.

(Ảnh minh họa)

Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Chính phủ ban hành ngày 01 tháng 3 năm 2020.
Nghị định gồm 6 chương, 58 điều quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nghị định này áp dụng với các đối tượng là người sử dụng lao động và các cá nhân, tổ chức khác có hành vi vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản được quy định; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Nghị định 28, vi phạm của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và một số đối tượng khác liên quan sẽ bị phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
Ở lại nước ngoài trái phép khi hết hạn hợp đồng lao động;
Bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng mà không phải do bị cưỡng bức lao động;
Sau khi nhập cảnh vào nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng.
Ngoài biệt bị xử phạt bằng tiền đối với các hành vi trên, người lao động sẽ bị buộc phải về nước.
Ngoài ra, các các doanh nghiệp dịch vụ vi phạm điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể bị phạt tiền từ 180 đến 200 triệu đối với một trong các hành vi như: sử dụng Giấy phép hoạt động của doanh nghiệp khác để tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp mình…. Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền còn có thể bị buộc đình chỉ hoạt động đến 06 tháng và khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định mức phạt đối với vi phạm quy định về giao kết hợp đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 2-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động; buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định có hiệu thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2020 sẽ thay thế cho Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015.

 

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *