Bộ LĐ-TB-XH khẳng định thông tin dừng hợp tác lao động với Hàn Quốc là không chính xác!
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, trong chương trình thời sự lúc 19 giờ ngày 12-9, VTV1 phát thông tin Hàn Quốc quyết định tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Nhiều tờ báo ra ngày 13-9, trong đó có cả Báo Lao động và Xã hội của Bộ LĐ-TB-XH, cũng khẳng định vì lao động bỏ trốn gia tăng, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dừng chương trình cấp phép lao động EPS (chương trình EPS) với Việt Nam.
Thông tin trên khiến gần 5.000 lao động đang có hồ sơ dự tuyển và hàng chục ngàn lao động có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc hoang mang. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều 13-9, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, vẫn khẳng định: “Không hề có chuyện Việt Nam bị dừng hợp tác lao động với Hàn Quốc”.
Khẳng định “không dừng”
Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, đơn vị được giao thực hiện chương trình EPS, cũng phủ nhận thông tin trên: “Chỉ có việc hủy đợt kiểm tra tiếng Hàn vào ngày 7-8 vừa qua, chứ không hề có quyết định nào của phía Hàn Quốc về dừng hợp tác lao động với Việt Nam. Việc tổ chức cho lao động trúng tuyển xuất cảnh vẫn đang diễn ra bình thường”.
Lao động trúng tuyển vẫn xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc bình thường
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cũng bày tỏ sự ngạc nhiên: “Tôi không biết vì sao có thông tin nhầm lẫn như thế. Chúng tôi vừa từ Hàn Quốc trở về ngày 10-9. Trong chuyến đi này, chúng tôi làm việc với Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc, bàn về kế hoạch tổ chức đợt kiểm tra tiếng Hàn cho lao động Việt Nam vào đầu năm 2012. Bộ này không thông báo hay nói gì đến việc dừng hợp tác lao động với Việt Nam”. Ông Quỳnh cho biết sẽ có thông tin chính thức về vấn đề này cho báo chí rõ, tránh nhầm lẫn cho người lao động.
Nguy cơ là có thật!
Mặc dù khẳng định thông tin dừng hợp tác lao động với Hàn Quốc chưa chính xác nhưng đại diện Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan chức năng đều có chung khuyến cáo nếu vấn đề lao động bỏ trốn tiếp tục gia tăng thì nguy cơ bị cắt giảm hạn ngạch, thậm chí bị loại khỏi chương trình EPS là khó tránh.
Hiện nay, ngoài 8.780 lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc từ tháng 4-2011 về trước, tình hình lao động bỏ trốn vẫn tiếp tục gia tăng. Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, trong số 8.000 lao động hết hạn hợp đồng năm 2011 thì đến nay có khoảng 49% đã bỏ trốn ở lại Hàn Quốc.
Trước tình hình lao động bỏ trốn có nguy cơ làm mất thị trường Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt triển khai các biện pháp chống trốn. Đề án ngăn ngừa lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc đang được triển khai. Trước đó, cuối tháng 6-2011, Bộ LĐ-TB-XH có công văn gửi Sở LĐ-TB-XH của 3 tỉnh có đông lao động bỏ trốn nhất là Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An yêu cầu rà soát, triển khai các biện pháp vận động gia đình khuyên con em hết hạn hợp đồng phải trở về.
Đầu tháng 7-2011, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục có công văn nhấn mạnh nội dung trên và kèm theo chỉ đạo tạm dừng đưa lao động ở các xã có đông lao động bỏ trốn tại 3 tỉnh trên. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến thời gian gần đây có một số lao động đã bị hoãn chuyến bay sang Hàn Quốc dù đã hoàn tất thủ tục.
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết thêm: “Dự kiến ngày 1-1-2012, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc sẽ công bố hạn ngạch tuyển dụng lao động nước ngoài cho năm 2012. Việc được tổ chức thi tiếng Hàn trong năm 2012 hay không (dự kiến vào tháng 4 hoặc tháng 5-2012) phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực chống trốn của chúng ta”.
Bỏ trốn bị phạt 40 triệu won
Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Hiện Cảnh sát Tư pháp Hàn Quốc đã tăng cường tổ chức các lực lượng truy quét gắt gao lao động bất hợp pháp.
Đi đôi với mức phạt tối đa 20.000 USD đối với doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, bị cấm vĩnh viễn không được sử dụng lao động nước ngoài hoặc có thể bị cấm hoạt động thì người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị xử phạt tối đa 40 triệu won (khoảng 700 triệu đồng) hoặc bị phạt tù tối đa là 12 tháng.
Những lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi bị trục xuất sẽ không bao giờ được quay trở lại nước này làm việc.
Bài và ảnh: Nguyễn Duy