Những ông chồng Việt “ở rể” đất Đài Loan

(DiendannguoiVietxaque) Xưa nay, những bài báo viết về cô dâu Việt Nam sang Đài Loan lấy chồng đã rất nhiều. Những thân phận phụ nữ Việt trên xứ người có đủ vui buồn ngọt đắng, nụ cười nước mắt… Nhưng nếu nói rằng, ở Đài Loan đang có những ông chồng Việt “ở rể” và sống hạnh phúc với gia đình chồng Việt-vợ Đài, hẳn nhiều người bất ngờ đến không tin.

Theo thống kê ngày 12/3/2007 do Vụ Hộ tịch, Bộ Nội Chính Đài Loan đưa ra, hiện đang có 143 ông chồng Việt Nam lấy vợ Đài Loan đang sinh sống trên hòn đảo nhỏ này. Tất nhiên nếu so với 75.743 cô dâu Việt Nam đang sống ở đây – thống kê cũng do Bộ Nội Chính Đài Loan đưa ra cùng ngày – thì con số đó quá nhỏ bé. Trong số họ, mỗi người cũng một hoàn cảnh khác nhau và một số phận khác nhau. Vì sao họ đã chọn Đài Loan làm nơi tạo dựng cuộc sống mới?

Lấy chồng xem… mặt:

Theo một quan chức của Vụ châu Á Thái bình dương, Bộ Ngoại giao Đài Loan thì thống kê sau năm 1975 cho thấy, hồi đó có tới gần 2.000 đàn ông Việt Nam cưới vợ Đài Loan. Đa số trong đó đều chọn Đài Loan làm nơi sinh sống. Tuy nhiên ba thập kỷ đã trôi qua, rất nhiều trong số đó đã gia nhập quốc tịch Đài Loan, hoặc đã chết. Hoặc những cuộc hôn nhân đa quốc gia đã tan vỡ, như bất kỳ những cuộc hôn nhân nào cũng có thể gặp nguy cơ đó.

Còn hiện nay, con số 143 phụ nữ Đài Loan lấy chồng Việt Nam có lẽ là thấp nhất trong số các cô dâu Đài Loan làm vợ người nước ngoài ở đây. Hiện số chú rể người Thái Lan ở đây là 2.924 người, chú rể người Nhật là 1.159 người, Philippin 382 người. Số đàn ông Việt Nam chinh phục được gái Đài Loan chỉ chiếm vỏn vẹn 1,4% trên tổng số 9.884 chú rể ngoại tịch ở đảo. Vậy phải chăng đàn ông Việt Nam… ít chịu để mắt xanh sang phía những cô gái da trắng dáng cao xứ Đài?

Anh bạn tôi giới thiệu một gia đình chồng Việt-vợ Đài đang sống rất hạnh phúc ở Đài Bắc như thế. Anh Q. vốn là du học sinh Việt Nam, sang Mỹ du học từ những năm cuối của thập kỷ 80, sau khi tốt nghiệp khoa Luật một trường đại học tại Mỹ, anh tham gia một số khoá đào tạo, lấy thêm một số chứng chỉ liên quan và làm việc trong một dự án phát triển cộng đồng tại Mỹ. Sau khi cưới vợ là một du học sinh Đài Loan học cùng trường nhưng dưới khoá, hai vợ chồng quyết định chọn Đài Loan là nơi để về và xây dựng cuộc sống mới.

Khi được hỏi vì sao lại chọn Đài Loan mà không về Việt Nam, anh Q. cho biết, về điều kiện làm việc và đời sống, Đài Loan thuận lợi hơn cho công việc, hiện anh Q. vẫn làm cho dự án cộng đồng, nhận lương từ cơ quan ở Mỹ và làm việc tại văn phòng ở Đài Loan. Ngoài ra lý do lớn nhất là vì tình cảm. Người vợ Đài Loan tuy hiện đại nhưng rất muốn về với gia đình, anh đành chiều vợ. “Vả lại, từ đây về Sài Gòn chỉ bay hơn 3 tiếng, tôi vẫn thường mang vợ về và những kỳ nghỉ đông hoặc nghỉ lễ dài ngày.”

Hiện anh Q. vẫn dùng tiếng Anh trong văn phòng và trong gia đình, trong công việc, anh có nhiều lúc phải làm với cộng đồng người Việt Nam tại đây nên Q. cảm thấy khá thoải mái vì được dùng tiếng Việt thường xuyên. Vợ anh cũng đã học được những câu tiếng Việt cơ bản. Q. cho biết, anh cũng biết có những cặp vợ chồng du học sinh Việt Nam, yêu nhau ở nước thứ ba, như ở Pháp, Nhật, rồi về Hà Nội đăng ký kết hôn và… qua đây sinh sống, tạo dựng sự nghiệp. Thường những chú rể Việt Nam đó đều là những người thành đạt, học vấn cao, có người sang Đài Loan mở công ty riêng, cũng có đủ điều kiện bằng thậm chí tốt hơn nhiều hàng triệu người đàn ông Đài Loan khác, vì thế mới “chiếm” được trái tim của những cô gái Đài Loan vốn nổi tiếng là luôn đòi hỏi rất nhiều về vật chất và sự chăm sóc từ phía bạn trai.

Bởi thực tế, ngay chính người Đài Loan cũng nhận xét, phụ nữ ở đảo này ngày càng hiện đại, học vấn cao, tự lập tự chủ, và thậm chí họ sẵn sàng sống độc thân nếu không tìm được đối tượng “đáng mặt nam nhi” có học vấn, trình độ và tiền bạc đáp ứng được cho cuộc sống gia đình.

Tuy nhiên, sau những điều thú vị là một vài gợn suy nghĩ, khi ngay cả những ông chồng thành đạt đó cũng cố gắng… từ chối cuộc hẹn phỏng vấn của tôi, thậm chí cố gắng giấu mình để không bị chú ý. Họ ngại để cho người khác biết rằng, đối với chính phủ Đài Loan thì chú rể Việt cũng chỉ là một trong số những người di dân mới, đối tượng cần phải bổ túc ngoại ngữ, có các chương trình ti vi, báo miễn phí phát riêng, và khi nhập quốc tịch cũng vẫn phải thi như bất kỳ cô dâu Việt Nam nào ở đây.

Lấy vợ xem…Thẻ cư trú:

Con đường sang Đài Loan làm rể mỗi người một khác. Và không phải ai cũng đàng hoàng có tuần trăng mật ở Paris, có kỷ niệm lễ cưới ở Venice hoặc tuần nghỉ đông ở Nhật Bản như những đôi uyên ương Việt-Đài tôi vừa kể ở trên.

Có lẽ tôi không bao giờ quên khuôn mặt non choẹt của một cậu trai nói giọng miền Nam, ngoài đôi mươi, dáng nhỏ, gặp ở chợ đêm gần khu Tùng Giang, Đài Bắc đầu năm 2007. Mới gặp ban đầu, tưởng T. là du học sinh sang Đài Bắc học. Nhưng hỏi kỹ, hoá ra T. đã cưới một cô gái Đài và sẽ được đàng hoàng làm Thẻ cư trú vĩnh viễn ở đây sau hai năm nữa.

Khi chúng tôi xuýt xoa là T. quá giỏi, trông thế này mà “cưa” được vợ Đài thì T. ngượng nghịu cười, ngại ngùng lắm mới nói, T. sang đây theo chị. Chị gái T. lấy chồng Đài Loan được gần năm năm, con đã lớn, chị để con cho ông bà nội nuôi, ra chợ mở quán “Cửa hàng Việt Nam – phở – nem –cơm gà quay”, chị kêu T. sang đây phụ giúp chị làm hàng. Để tiện cho em, chị T. đã bỏ một khoản tiền “lệ phí” cho một người quen, nhờ người làm thủ tục, phỏng vấn, cưới một người vợ Đài Loan. Sau khi làm xong thủ tục kết hôn, sang Đài Loan ngày thứ hai là T. đã có thể đi làm ngay, và là lao động hợp pháp, không cần nộp bất cứ chi phí ban đầu, đặt cọc, thuế, quản lý phí hàng tháng như lao động Việt Nam bình thường sang đây làm việc.

Buổi tối, T. ngủ lại ngay trong quán, ngày nghỉ là những lúc T. bận nhất, khi rảnh thì kiếm bạn bè là công nhân ở các xưởng ngoài huyện Đài Bắc, kéo nhau đi chơi. Tôi định hỏi đùa rằng, thế người vợ Đài Loan cũng không ghen sao, nhưng rồi không dám hỏi kỹ. Dẫu sao phận làm trai, xứ người, đằng nào cũng mang tiếng một đời vợ. Có lẽ cái vất vả của mỗi số phận làm người ta phải lựa chọn những gì tốt nhất đối với mình.

Cho dù cái được T. chọn là tấm Thẻ cư trú và công việc lương thiện, nhưng tôi vẫn thấy bùi ngùi.

Còn vài trường hợp được biết đến khi lên Đài Bắc làm thủ tục cư trú, là những chú rể Việt Nam đã sang Đài Loan làm công nhân từ 3 đến 5 năm. Sau đó khi về nước, đã thông thạo mọi ngõ ngách, đường đi lối lại ở ĐL, họ tìm cách làm thủ tục kết hôn với một cô gái ĐL tốt bụng, giúp họ để để sang tiếp, chủ yếu với mục đích làm việc. Những đôi vợ chồng đó cũng không ở cùng nhau và mãi mãi không ai biết, họ đã đổi những gì cho tấm Thẻ cư trú theo diện Hôn nhân ở Đài Loan.

Tuy vậy, cũng không phải không có những tình yêu thật sự dễ thương. Diễn đàn Việt Nam của tôi tại đây đang nóng một topic của một cô nhân viên văn phòng người Đài Loan, làm việc tại một nhà máy ở Đài Trung. Cô hỏi rất thật lòng: “Thế con trai Việt Nam có thể… lấy làm chồng không mọi người ơi?”

Tiểu Uyên kể rằng, nhà máy của cô đón mấy chục công nhân Việt Nam sang làm việc, trong đó có một anh… làm cô bối rối. “Tôi từ xưa đến nay chỉ nghe nói cô dâu Việt Nam, giờ nếu tôi yêu anh ấy, tôi sẽ trở thành… cô dâu Đài Loan sao? Cái gì đang chờ tôi trong tình yêu ấy?”

Mọi thành viên trên diễn đàn đều sốt sắng vào tư vấn tình cảm và bảo, cứ yêu đi, cứ lấy đi, con trai Việt Nam đảm bảo tốt với vợ hơn, vì Việt Nam xa thế, giận vợ rồi thì… biết đi đâu? Hoặc có người cẩn thận dặn: Phải xem kỹ hộ chiếu xem có phải lao động chạy trốn đang tìm cách tán tỉnh lợi dụng mình không?

Tiểu Uyên bắt đầu học tiếng Việt, mỗi thứ bảy chủ nhật lại vác sách đi bus lên tận Đào Viên học. Cô nói, tình cảm thì cứ để nó từ tốn, còn tôi, tôi phải đi học tiếng Việt đã! Ít nhất để có thể nói bằng tiếng của anh ấy!

Cái chủ động thu xếp của người phụ nữ Đài làm tôi thấy ngỡ ngàng!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *