Nền kinh tế của những thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Malaixia… vẫn tăng trưởng và vẫn có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động nước ta.
Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội), trong năm 2012, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngoài những tín hiệu khả quan cũng sẽ gặp một số khó khăn, thách thức do diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, tình hình chính trị bất ổn tại các quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, cạnh tranh giữa các quốc gia cung ứng lao động vốn đã rất gay gắt.
Xây dựng cũng là một thế mạnh XKLĐ của nước ta. Ảnh: Hiếu Dũng |
Ông Nguyễn Xuân Vui- Tổng GĐ Cty CP dịch vụ và thương mại hàng không (Airseco) một đơn vị có chức năng XKLĐ phân tích: “Nhóm thị trường có thu nhập tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn khá hấp dẫn. Trong đó, thị trường Nhật Bản – tuy nhu cầu lớn, nhưng việc mở rộng thị trường sẽ khó bởi phía Nhật yêu cầu rất khắt khe. Thị trường Hàn Quốc thì cạnh tranh quá khốc liệt. Tại thị trường này, chỉ có 14.937 lao động/hơn 63.000 lao động dự thi tiếng Hàn vừa qua là bằng chứng. Chưa kể, không phải ai làm hồ sơ dự tuyển cũng được chọn, thời gian chờ đợi có thể lên đến 2 năm hoặc lâu hơn”.
“Thị trường Libi cũng khá tiềm năng, nhưng chưa biết khi nào sẽ ổn định trở lại. Malaixia được coi là “mũi nhọn”, nhưng hiện vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng do mức lương cơ bản thấp khiến nhiều lao động quay lưng, khiến có doanh nghiệp kiếm được đơn hàng thu nhập lên đến 12 triệu đồng/tháng cũng không thể tạo được nguồn…”.
Hiện tại, là doanh nghiệp am hiểu đối tác Nhật Bản, Airseco cũng chỉ dám “mơ” tăng được từ 1,5-2 lần chỉ tiêu lao động sang Nhật vì Nhật Bản giữ chế độ thực tập sinh.
Chính vì thế, theo ông Vui, năm 2012 cần tiếp tục tính toán để đưa lao động có chất lượng đi làm việc với mức lương trên trung bình. Về phía người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài phải tính toán, lựa chọn kỹ thị trường phù hợp với điều kiện kinh tế, tay nghề, sức khỏe của mình, tránh lãng phí tiền của và công sức vào một thị trường nào đó để lỡ cơ hội khác. Lao động cũng cần tỉnh táo để tránh xa “bẫy” lừa đảo của “cò mồi” bởi càng những thị trường khó tính, lựa chọn ít thì càng dễ nảy sinh tiêu cực.
Ở góc độ quản lý, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho rằng họ sẽ áp dụng các kế hoạch riêng cho từng thị trường. Ví dụ, đối với thị trường Nhật Bản, cần tăng cường quảng bá để các doanh nghiệp tiếp nhận thêm tu nghiệp sinh Việt Nam, chuẩn bị để triển khai chương trình đưa y tá và hộ lý sang làm việc theo thỏa thuận giữa hai chính phủ; với thị trường Hàn Quốc, cần áp dụng triệt để các biện pháp ngăn ngừa lao động bỏ trốn…