Người lao động quay lưng với thị trường Malaysia

TT – Từng được xem là thị trường truyền thống, được Bộ Lao động – thương binh và xã hội chọn để triển khai đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, nhưng hiện nay ngoài lý do chính quyền Malaysia siết chặt quản lý lao động nước ngoài, đang có tình trạng người lao động Việt Nam quay lưng với thị trường này.

 

Người lao động Việt Nam làm việc tại một nhà máy sản xuất đồ dùng trẻ em ở Malaysia – Ảnh: HỒ VĂN

 

Có nhiều nguyên nhân khiến người lao động chê thị trường này, nhưng nguyên nhân chính là do lương thấp và nhiều rủi ro.

Không tuyển được người lao động

Rao tuyển 100 lao động nữ qua Malaysia làm việc trong lĩnh vực điện tử, không thu phí xuất cảnh, phí dịch vụ và được đài thọ vé máy bay lượt đi và về, thu nhập tối thiểu 6,2 triệu đồng/tháng nhưng mấy tháng nay Công ty TNHH xây dựng SX-TM Trường Giang cũng chỉ tuyển được hơn 20 người. Ông Hồ Trường Sơn, phó giám đốc công ty, than thở: “Chúng tôi về các huyện nghèo vùng sâu, vùng cao tuyển dụng nhưng hầu như người lao động không mặn mà. Có nơi hôm trước nhận đăng ký vài chục người, hôm sau quay lại làm thủ tục họ lại không đi”.

Trước đó, Công ty Gmas (Công ty cổ phần dịch vụ Nhân Lực Toàn Cầu) cũng có đơn hàng tuyển dụng 3.000 người lao động làm việc tại Malaysia với cam kết cho người lao động vay ứng vốn và trừ dần vào lương. Công ty này còn cam kết hết thời gian hợp đồng ba năm người lao động trở về sẽ được giới thiệu vào làm tại Nhà máy điện tử Jabil tại Khu công nghệ cao quận 9,  TP.HCM. Nhưng rao tuyển từ đầu tháng 2-2012 đến nay chỉ mới được hơn 100 người đến đăng ký. Để chuẩn bị cho đơn hàng này Công ty Gmas tổ chức nhiều lần về các huyện nghèo, vùng sâu, vùng cao tư vấn tại nhà. Thậm chí mời hàng chục công ty cung ứng lao động từ miền Trung, Tây nguyên và miền Tây đến thăm Nhà máy Jabil đầu tư tại TP.HCM để họ tận mắt chứng kiến điều kiện làm việc nhưng vẫn không ăn thua. “Người lao động vẫn muốn đi làm ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản…” – ông Đàm Trung Bắc, tổng giám đốc Công ty Gmas, than thở.

Còn ông Trần Hồng Hà, giám đốc Công ty Sao Việt, cho biết trước đây thời kỳ còn hưng thịnh, người lao động tự tìm đến công ty đăng ký đi Malaysia ào ào. Nhưng mấy năm trở lại đây, hễ nhắc đến thị trường Malaysia, người lao động đều lắc đầu, kể cả người lao động nghèo.

Chê vì lương thấp

 

Ưu đãi vẫn… không màng

Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động và chọn Malaysia làm thị trường trọng tâm với nhiều ưu đãi nhằm vực dậy thị trường này. Trong đó, người lao động ở các huyện nghèo sẽ được vay 100% vốn không lãi suất, được hỗ trợ phí đào tạo, đi lại và ăn ở… Nhưng xem ra trong hoàn cảnh hiện nay – như một cán bộ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết – vẫn khó thu hút người lao động đến với thị trường Malaysia.

Phân tích nguyên nhân lao động chê thị trường Malaysia, ông Đàm Trung Bắc đưa ra nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy là lương thấp. Theo ông Bắc, mặt bằng thu nhập của người lao động ở Malaysia hiện nay khoảng 6 triệu đồng/tháng không cao hơn mấy so với thu nhập ở các khu chế xuất – khu công nghiệp Việt Nam. Lại thêm nếu gặp rủi ro như thiếu việc làm hay bị ngược đãi thì người lao động chỉ có cách về nước, trong khi ở Việt Nam xảy ra việc này họ có thể nhảy việc qua công ty khác. “Đây là điều khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động như chúng tôi khi khai thác thị trường này” – ông Bắc nói.

 

Còn bà Hoàng Kim Ngọc, cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết ngoài nguyên nhân lương không cao, còn nguyên nhân chính từ tác động tâm lý đám đông. Thị trường Malaysia chịu hai cú sốc nặng. Đó là vào những năm 2003 và 2004, ngành xây dựng Malaysia bị tê liệt khiến hàng chục ngàn công nhân mất việc về nước. Đến 2008, 2009 khủng hoảng kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, phá sản và hàng chục ngàn người lao động lại mất việc về nước. Hai sự việc này khiến người lao động e dè. Trước đây, lao động Việt Nam tại Malaysia gần 120.000 người, nay còn 70.000 người. “Ngay cả số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lao động qua thị trường này cũng giảm xuống 50% để chuyển hướng khai thác thị trường khác” – bà Ngọc cho biết.

Không chỉ người lao động quay lưng với thị trường Malaysia, hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng đã bỏ thị trường này để chuyển hướng qua các thị trường khác. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong thời kỳ hưng thịnh có khoảng 135 công ty tham gia khai thác thị trường này, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1/2 trong số các công ty nói trên đang cố cầm cự để giữ thị trường.

HỒ VĂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *