Và như vậy, có cung ắt có cầu, nhiều đường dây môi giới lao động xuất hiện. Và như những con thiêu thân, rất nhiều lao động nông thôn đã không ngần ngại, liều lĩnh lựa chọn con đường xuất khẩu lao động trái phép giá rẻ với giấc mộng được đổi đời.
Bất chấp chui lủi, bị đánh đập
Bất cứ người dân nào có ý định đi xuất khẩu lao động trái phép đều hiểu rằng mình sẽ gặp phải những rủi ro và phải làm việc trong môi trường chui lủi. Thế nhưng, họ đều là con nhà thuần nông, do cuộc sống gia đình khó khăn, éo le nên phải làm “liều một phen” và Nga là một thị trường được nhiều người chọn lựa.
Tuy nhiên, không phải lao động nào sang Nga cũng làm ăn thuận lợi như lời môi giới của các ông chủ tư nhân là có mức thu nhập khá để sớm được trở về quê hương với số tiền bù đắp được chi phí đầu tư ban đầu và giúp họ “lên đời.”
Trên thực tế, đã có rất nhiều lao động lỡ bước sang Nga làm việc phải trở về trong tình trạng cháy túi. Thậm chí nhiều trường hợp phải bỏ mạng nơi đất khách khi hi vọng đổi đời của họ chưa thành hiện thực.
Điều đáng nói là, hầu hết những trường hợp đi xuất lao động bất hợp pháp tại nước Nga, khi chết họ không được chôn cất cẩn thận mà chỉ được quấn lớp vải mỏng rồi lấp đất lên. Nhiều trường hợp, chết không tìm thấy xác, có trường hợp chết bên cạnh người thân nhưng không thể đưa được hài cốt trở về quê nhà.
Thế nhưng, những thông tin này dường như không đến được với người lao động hoặc họ cố tình xem nhẹ. Vì thế, tình trạng đưa người đi “xuất lao động chui” sang Nga trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có chiều hướng gia tăng. Tại xã Hòa Sơn, Tân Sơn (huyện Đô Lương), xã Bảo Thành, Hoa Thành (huyện Yên Thành) số người đi xuất khẩu lao động dạng này chiếm 80%. Trong đó, đa phần là đàn ông, thanh niên.
“Vì ‘đi chui’ nên khi lên máy bay, họ dặn khi gặp lực lượng công an nước Nga phải bảo là đi du lịch. Mà chú biết đấy, đi du lịch gì mà trong valy toàn nồi cơm điện. Đã xác định ‘đi chui’ nên không thể tự do đi ra ngoài đường, hễ ra ngoài gặp công an là bị bắt và bị đánh đập dã man,” anh Phan Văn Nam, một lao động từng đi “xuất khẩu lao động chui” tại Nga chia sẻ.
Thực tế, từ khi xuất hiện các đường dây đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép sang Nga, đã có không ít những trường hợp bị thiệt mang nơi đất khách. Như trường hợp của hai anh em Nguyễn Tất Đào, Nguyễn Tất Nam, cùng ngụ tại xã Tân Sơn, (huyện Đô Lương, Nghệ An) đi xuất khẩu lao động trái phép đã bị thiệt mạng vào tháng 11/2011.
Bên di ảnh người bố xấu số, anh Nguyễn Đắc Thịnh (con rể) của nạn nhân Nguyễn Tất Đào đau xót kể lại: “Gia đình tôi thuộc vào diện hộ nghèo, do điều kiện kinh tế khó khăn nên cuối tháng 5/2011, khi có người bày mối đi xuất khẩu lao động tại Nga với nguồn vốn bỏ ra thấp nhưng thu nhập tương đối cao, bố và chú ruột cùng tôi đã quyết định đi xuất khẩu những mong được đổi đời. Nào ngờ, sang làm chưa được 5 tháng thì bố và chú tôi đã bị thiệt mạng do nổ khí gas.”
Nuốt giọt nước mắt đắng vào lòng, chị Nguyễn Thị Tâm (con gái ruột nạn nhân Đào) tiếp lời: “Ba người thân thích trong một gia đình cùng ra đi xuất khẩu lao động những mong đổi đời thì hai người đã bỏ mạng nơi đất khách. Hiện bên Nga vẫn còn gần 20 lao động là anh, em cùng họ hàng nhà tôi đang sống và làm việc trong môi trường chui lủi. Không biết họ sẽ thế nào đây?”
Cùng chung hoàn cảnh gia đình anh Thịnh, còn có rất nhiều lao động cũng vì đi trái phép nên phải bỏ mạng ở nơi đất khách quê người, còn người thân của họ ở quê nhà thì quặn lòng tiếc thương. Họ chỉ có một mong muốn là thi thể của thân nhân họ được đem về quê hương yên nghỉ.
Hậu quả khó lường
Theo ghi nhận của phóng viên, hằng năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều lao động ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp bằng hộ chiếu phổ thông, đường du lịch và không ít trong số này phải bỏ mạng tại xứ người vì tranh chấp lao động, vì cuộc sống kham khổ và hàng ngàn lý do khác.
Biết rằng đi xuất khẩu lao động chui là vi phạm pháp luật và chỉ trông chờ vào sự may, rủi thế nhưng vì số tiền bỏ ra ban đầu khá mềm, “thu nhập hứa” lại cao nên nhiều người vẫn lao vào, tạo cơ hội cho những kẻ vô lương tâm nhởn nhơ kiếm tiền ngoài vòng pháp luật, kiếm tiền bất chấp số phận của những người dân nghèo khốn khổ.
Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở xã Hoa Thành (Yên Thành), có con trai đi xuất khẩu lao động tại Nga giãi bày: “Trước khi bay, con tôi phải nộp cho người môi giới tại huyện Yên Thành (Nghệ An) là 42 triệu đồng. Khổ lắm chú ạ, nó đi đến nay đã hơn một năm, nhưng mới gửi về cho gia đình được hơn 20 triệu đồng, trong khi số tiền vay mượn ngân hàng cho nó đi lên đến 40 triệu mà giờ lãi mẹ đẻ lãi con, khó lại chồng lên khó”.
Một nghịch lý là, dù tình trạng xuất khẩu lao động chui sang Nga với giá siêu rẻ đang “nở rộ,” tràn lan trên diện rộng và khá công khai thì chính quyền địa phương lại vẫn chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu, dứt điểm.
Đem nghịch lý này gặp với cơ quan chức năng, phóng viên Vietnam+ được ông Đặng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho hay: “Hầu hết các trường hợp đi ‘xuất khẩu lao động chui’ đều không thông qua Sở nên Sở không nắm được.”
Biện pháp ngăn chặn chủ yếu cũng chỉ là làm việc với các phòng, địa phương để có biện pháp tuyên truyền cho người dân nên đi xuất khẩu lao động theo con đường chính thống của Bộ lao động, để đảm bảo thu nhập và an toàn lao động. Không nên đi theo các đường dây xuất khẩu lao động trái phép, không phép,” ông Thắng nói.
Tương tự, ông Phạm Xuân Tuyết, Trưởng phòng Lao động-Xã hội huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích các công ty, doanh nghiệp liên kết với phòng để họ tiếp cận với người dân, trao đổi và có giải pháp tạo công ăn việc làm cho người lao động ở ngay trong nước. Cùng đó là có tuyên truyền đến người dân nếu có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nước ngoài thì nên đi ở các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, Malayxia thông qua các kênh mà phòng giới thiệu.”
Về biện pháp để ngăn chặn những trường hợp đi xuất khẩu lao động trái phép ở trên địa bàn tỉnh, theo ông Thắng là rất khó. Cái khó lớn nhất là do ý thức của người dân, hầu hết họ đi với pháp nhân là đi du lịch nên việc quản lý, can thiệp rất khó. Hơn nữa, việc này cần phải có sự can thiệp đồng bộ từ nhiều cơ quan đoàn thể, trước tiên là từ các địa phương. Ông Thắng đưa ra ví dụ, khi người dân làm hồ sơ, chính quyền địa phương cần xem xét rõ thông tin, mục đích. Khi làm hộ chiếu, công an cần kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ, vấn đề xuất nhập cảnh của từng lao động…
Với lập luận, nhận thức này, có vẻ như “quả bóng” trách nhiệm đã được địa phương chuyển khéo léo lên cơ quan cấp hộ chiếu và xuất cảnh mặc dù, tình trạng người người xuất khẩu lao động chui, nhà nhà xuất khẩu lao động chui đang diễn ra hàng ngày trước mắt họ, cùng với đó là những cảnh tượng đau buồn như trường hợp của hai anh em Nguyễn Tất Đào, Nguyễn Tất Nam…