QĐND – Mặc dù kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhưng năm 2011 nước ta vẫn đạt được con số hơn 88.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là một tín hiệu tốt, tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục mở rộng việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Dự báo, trong năm 2012, thị trường XKLĐ vẫn có khả năng phát triển mạnh và Nhà nước sẽ tập trung ưu tiên những lao động là người nghèo, đối tượng chính sách.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB và XH, hiện nay Việt Nam có khoảng 500.000 lao động làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi năm, người lao động gửi về nước khoảng 1,6 tỷ đến 2 tỷ USD. Riêng năm 2011, cả nước đã đưa được hơn 88.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong năm 2012, mặc dù cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động XKLĐ. Tuy nhiên, mục tiêu mà các cơ quan chức năng đề ra vẫn là, cố gắng phấn đấu đưa 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết chúng ta cần củng cố các thị trường truyền thống như Đài Loan, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Nhật Bản… (thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc vốn hấp dẫn bởi thu nhập khá cao, nhưng nhu cầu lại có hạn). Được biết, thị trường Nhật Bản gần như không có đột phá gì khi năm nào cũng chỉ tiếp nhận khoảng 4000 lao động. Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc ngày càng có những quy định nghiêm ngặt hơn về tay nghề, về khả năng nghe nói tiếng Hàn… Vì thế, chúng ta cần đào tạo tay nghề tốt cho lao động trước khi sang làm việc tại những nước này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khai thác các thị trường mới. Ví dụ, sau khi các nước Trung Đông ổn định, chúng ta tiếp tục khai thác thị trường đầy tiềm năng này. Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao chất lượng lao động, nhất là lao động làm việc tại các nước có yêu cầu cao.
Đối với những lao động bị mất việc làm, phải về nước trước thời hạn do doanh nghiệp phá sản, Bộ LĐ-TB và XH sẽ tìm cách để những người lao động này có việc làm ở nơi khác hoặc hỗ trợ họ nếu chưa thể tìm việc làm. Đến tháng 11-2011, cả nước có khoảng 76.317 doanh nghiệp bị thu hồi chứng nhận đăng ký, chiếm khoảng 12,6%. Tuy nhiên, trong số chưa phải thu hồi cũng có một số doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể tạm ngừng hoạt động, do vậy cũng sẽ có tác động xấu tới đời sống người lao động hoặc ảnh hưởng tới việc làm.
Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Mặc dù rất nhiều nền kinh tế đang dần phục hồi nhưng nhu cầu tiếp nhận lao động mới vẫn còn hạn chế, nhiều quốc gia vẫn còn áp dụng các chính sách hạn chế nhận lao động nước ngoài để bảo vệ lao động trong nước, thậm chí một số nước vẫn tiếp tục dừng tiếp nhận lao động nước ngoài trong nhiều lĩnh vực. Kinh tế thế giới hiện nay đang phục hồi nhưng vẫn diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến công tác dự báo các vụ việc phát sinh, dẫn đến bị động trong việc xử lý giải quyết… Để khắc phục những khó khăn, năm 2012, Cục sẽ thực hiện các giải pháp để khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường đang phục hồi, đặc biệt là đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực và các nghề trước đây ta chưa quan tâm khai thác do thiếu nguồn lao động như các nghề đòi hỏi trình độ cao, các nghề trong lĩnh vực dịch vụ… Đó là các thị trường truyền thống đã và đang nhận lao động Việt Nam với số lượng lớn như các nước khu vực Trung Đông, Đài Loan, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đồng thời mở các thị trường mới phù hợp với lao động Việt Nam như Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ca-na-đa, cũng như các hợp đồng nhận thời vụ tại các nước châu Âu như Phần Lan, Thụy Điển… Trong đó sẽ ưu tiên những lao động là người nghèo ở các huyện nghèo và các đối tượng chính sách.
Ông Hải nhấn mạnh: “Với nhiều tín hiệu vui từ thị trường lao động các nước, hy vọng tình hình XKLĐ nước ta sẽ khởi sắc trong năm 2012. Chỉ tiêu đặt ra cho năm 2012 là đưa 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng chúng tôi hy vọng là sẽ vượt chỉ tiêu này”./.
Đức Thịnh