Mất ngàn USD, cơ hội xuất khẩu lao động sang Úc mờ mịt

Hiện tại, những người có mong muốn đi xuất khẩu lao động sang Úc đang loay hoay chưa biết tính sao vì đã lỡ đặt cọc và đóng tiền học tiếng Anh.

Trong hai ngày 17 và 18-10, hàng chục học viên quê Nghệ An, Hà Tĩnh đã tập trung tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Giáo dục Nguồn nhân lực Việt (TP.HCM) phản ứng dữ dội, vì cho rằng bị “cò” tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hứa sẽ đưa sang Úc lao động phổ thông với mức lương “trong mơ” 4.000 USD/tháng. Các học viên này cũng hết sức bất bình vì Công ty Nhân lực Việt đã tư vấn nhập nhằng khiến họ phải tốn nhiều chi phí học tiếng Anh (200 USD/tháng) với hy vọng sang Úc làm việc.

Đưa “cò” hàng ngàn USD tiền cọc để giữ chỗ

Các học viên cho hay họ thông qua nhiều “cò” khác nhau tại quê hứa sẽ bảo lãnh sang Úc làm việc, sau khi kết thúc một khóa học tiếng Anh tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Giáo dục Nguồn nhân lực Việt.

Với mức lương ngất ngưởng, nhiều lao động nghèo đã chạy vạy kiếm tiền đặt cọc cho “cò”. Người ít thì khoảng 1.000 USD, cá biệt có người đóng 5.000 USD để giữ chỗ sang Úc. Điều oái oăm, trong số họ nhiều người chẳng biết một tiếng Anh bẻ đôi. Anh D. (quê Nghệ An) kể: “Thông qua bạn bè giới thiệu, tôi đã đóng cọc 1.500 USD. Vào đến TP.HCM, tôi phải đóng thêm 200 USD để học tiếng Anh. Tuy nhiên, học gần xong một tháng, công ty lại yêu cầu học thêm tháng nữa và phải học thêm nghề. Giờ tui không biết phải tin ai”.

Tương tự, anh Bảo quê ở Hà Tĩnh cũng đóng cọc cho “cò” 3.000 USD để tìm cơ hội sang Úc mà không biết mình sẽ làm gì.

Hiện tại, các lao động này vẫn đang ở trọ gần trụ sở Công ty Nguồn nhân lực Việt và loay hoay chưa biết tính sao.

Không có chức năng vẫn đòi đưa lao động sang Úc (!)

Ngay khi có ý kiến phản đối của người lao động, ngày 17-10, ông Nguyễn Hữu Trung xưng là phó giám đốc Trường Y Asean tại Nghệ An, đại diện cho một nhóm lao động người Nghệ An đã có mặt tại Công ty Nguồn nhân lực Việt để giải quyết khúc mắc. Trao đổi với chúng tôi, ông Trung cho biết: Trường có hợp đồng liên kết với Công ty Nguồn nhân lực Việt để đào tạo nhân lực. Theo đó, khi công ty có thông tin đưa lao động sang Úc làm việc thì trường đã đưa một nhóm lao động vào TP.HCM để học tiếng chứ không hề thu tiền của học viên.

Ông Trung cũng cho biết qua làm việc, Công ty Nguồn nhân lực Việt đã cam kết sẽ đưa những lao động “có năng lực” sang Úc làm việc với chi phí khoảng 6.000 USD. Tuy nhiên, ông này thừa nhận Công ty Nguồn nhân lực Việt không có chức năng xuất khẩu lao động. “Nhưng họ làm theo chương trình… tu nghiệp sinh (!) trong các ngành nghề xây dựng, trang trại. Tùy ông chủ họ chọn ai có năng lực mà thôi chứ không thể chọn tất cả” – ông Trung nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Huỳnh Bảo Trị, Giám đốc Công ty Nguồn nhân lực Việt, cũng thừa nhận: “Công ty hoàn toàn không có chức năng xuất khẩu lao động”. Nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao người lao động nhất quyết cho rằng đại diện công ty khẳng định học viên nào có năng lực đảm bảo sẽ được sang Úc làm việc, ông Trị phân giải: Công ty có chức năng đào tạo tiếng Anh và tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học viên phù hợp với nhu cầu tuyển dụng tại Úc. Còn học viên tự đưa thông tin cá nhân, năng lực chuyên môn lên mạng để các nhà tuyển dụng tại Úc… phát hiện và lựa chọn chứ không phải công ty đứng ra làm môi giới đưa trực tiếp lao động sang Úc làm việc. Đó là do người lao động họ hiểu nhầm mà thôi.

“Đầu nguồn” họ thu, chúng tôi không biết

Khi chúng tôi đặt vấn đề thị trường Úc chỉ tuyển lao động có chuyên môn cao, tại sao công ty lại tư vấn cho lao động phổ thông liệu có nghịch lý, ông Trị lý giải: Thực ra tại Úc có nhiều cấp độ lao động từ cao đến thấp. Lao động cấp cao thì yêu cầu tiếng Anh cực cao, IELTS 7.0 trở lên, còn lao động phổ thông thì thấp hơn. “Họ làm theo kiểu On Job Trainning, vừa làm vừa học thêm tiếng Anh (!)” – ông Trị nói.

Về phản ánh của học viên việc nhiều người bị thu hàng ngàn USD để giữ chỗ có phải là chủ trương của công ty, ông Trị nói: “Chúng tôi chỉ thu 200 USD tiền học phí/tháng, còn tiền phí tư vấn chúng tôi sẽ thu sau khi người lao động có việc làm. Riêng các khoản tiền hàng ngàn USD mà người lao động bị “đầu nguồn” (cách nói của ông Trị) thu chúng tôi hoàn toàn không biết và không hề đề cập chuyện này với “đầu nguồn”. “Nếu có chuyện này thì “đầu nguồn” họ đã làm sai hoàn toàn, chúng tôi không chịu trách nhiệm” – ông Trị cho hay.

Ngoài ra, ông Trị cũng cho hay công ty đã thông qua đối tác là Trường Y Asean tại Nghệ An để tìm học viên nhưng không hề đề cập đến khoản tiền cọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *