Trình độ tay nghề và học vấn hạn chế, lại khát khao có được công việc thu nhập cao ở nước ngoài nhưng ít được tiếp cận với thông tin…là nguyên nhân khiến nhiều người lao động nông thôn trở thành nạn nhân của các công ty lừa đảo xuất khẩu lao động.
Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niện (CSAGA) vừa công bố kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu của nạn nhân bị buôn bán, bóc lột lao động trở về nước.
Đối tượng được khảo sát là những lao động đi Xuất khẩu lao động trong giai đoạn từ 2009- 2012, tại 3 tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình.
Đáng chú ý, hầu hết Người lao động đi Xuất khẩu lao động đều có trình độ thấp (54,7% học PTCS, 33,7% học PTTH), hơn 50% là nông dân và buôn bán nhỏ trước khi đi Xuất khẩu lao động. Trình độ thấp nên những đối tượng này trở thành nạn nhân của môi giới và “cò”.
Điển hình như trường hợp chị Nguyễn Thị L. (Ba Vì, Hà Nội) được đưa đi làm giúp việc tại Ả rập Xeut. Tuy nhiên, khi sang tới nơi chị bị bán vào một nhà chứa. Do đã quá tuổi nên chị thường xuyên bị đánh đập. Rất may, chị tình cờ gặp một cán bộ ngoại giao và được vị này cứu khỏi nơi giam cầm.
Kết quả khảo sát của CSAGA cũng cho thấy, trong số 55 Lao động nói trên, số nạn nhân mua bán người tại Lybia là cao nhất (20 người), Đài Loan là 17 người, còn lại là lao động ở Nhật Bản. Nhóm dễ bị trở thành nạn nhân mua bán người chủ yếu là nhóm trình độ học vấn thấp (chiếm 43,75%) và là nông dân. Phần lớn người làm thủ tục đi nước ngoài làm việc (Xuất khẩu lao động) qua “cò” và môi giới, không giao dịch trực tiếp với công ty được phép đưa Lao động ra nước ngoài làm việc
Kết quả khảo sát cũng chỉ ra thực tế đáng buồn. Có tới 23,5% không nhận được thông tin đầy đủ về công việc sẽ làm tại nước đến; 24,14% Người lao động không biết chi phí thực tế của chuyên đi cũng như chi phí bồi thường. Có 93,56% người lao động (NLĐ) bị lừa gạt ít nhất một lần trong quá trình làm việc ở nước ngoài và trong nước, trước khi đi Xuất khẩu lao động là 66,77%. Đáng lo ngại phần lớn thủ tục, giấy tờ không minh bạch, tiền thực nộp và biên nhận.
Như trường hợp của một lao động khác ở Hà Nam, đã bị lừa đến 7.000 USD, để được đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, gần 1 năm nay, lao động vẫn mòn mỏi chờ đợi, còn doanh nghiệp môi giới đã “biến mất”.
“Đa phần những người này trước khi đi Xuất khẩu lao động đều không biết mình là nạn nhân của bóc lột lao động, lừa đảo và buôn bán người. Chỉ sau khi đến nước bạn, bị bóc lột, bị phá vỡ hợp đồng lao động mới hay mình đã bị lừa đảo”- bà Nguyễn Thị Văn – thành viên của CSAGA nhận xét.
Một chuyên gia trong lĩnh vực Xuất khẩu lao động khẳng định, số người bị lừa đảo còn cao hơn nhiều, do còn nhiều nạn nhân bị lừa đảo vì xấu hổ hoặc hy vọng muốn đòi lại tiền nên tiết lộ câu chuyện thực của mình. Trên thực tế, vấn nạn Người lao động bị lừa đảo qua đường môi giới là thực trạng đã diễn ra nhiều năm nay trong ngành xuất khẩu lao động. Nhiều người lao động nông thôn do thiếu thông tin đã rơi vào bẫy của lẻ lừa đảo.
Theo ông Đào Công Hải – Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hiện có 172 doanh nghiệp Xuất khẩu lao động, được cấp phép theo pháp luật. Trong khi người lao động đi theo đường chính ngạch thì gần như không có chuyện bị bóc lột, hay lừa đảo. Tuy nhiên, theo chuyên gia lao động, dù Người lao động có lỗi vì đi theo đường môi giới, trung gian nhưng khi có sự việc đáng tiếc xảy ra, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho Người lao động.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước đối với việc tuyển chọn Lao động Xuất khẩu của các doanh nghiệp. Xử lý nghiêm minh những cá nhân, công ty tuyển dụng/môi giới không đúng pháp luật quy định. Đối với địa phương, cần trang bị thêm kỹ năng nhận diện và hỗ trợ nạn nhân của buôn bán người nói chung và nạn nhân buôn bán lao động cho cán bộ lao động xã hội các cấp, cán bộ trợ giúp pháp lý…