Lộ diện nhiều đường dây lừa đảo Xuất khẩu lao động

TP – Sau khi Tiền Phong phản ánh việc hơn 13 nghìn lao động (LĐ) Nghệ An phải ra Hà Nội thi tiếng Hàn để tránh nạn cò mồi đang lộng hành, trong vai người lao động (NLĐ), PV phát hiện hàng loạt đường dây lừa đảo chạy đi XKLĐ Hàn Quốc.

 

 

 

 

 

 

Trong số hàng ngàn lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn không ít người nhờ lo lót chạy đi Hàn Quốc. Ảnh: A. Khánh.

Đến đâu cũng đụng cò mồi

Sáng 13-12, tại các cơ sở đào tạo tiếng Hàn tại TP Vinh, học viên bắt đầu nghỉ học để về quê chuẩn bị khăn gói ra Thủ đô dự thi. Trong vai NLĐ có nhu cầu đi Hàn Quốc, PV Tiền Phong có mặt tại một trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm trên đường Phong Định Cảng (TP Vinh). Thấy người lạ tới, một thanh niên tự giới thiệu có mối đưa đi Hàn Quốc mà không học tiếng cũng có chứng chỉ.

“Giá trọn gói bao nhiêu?”, người thanh niên này không ngần ngại đáp “6.000 USD nhưng phải gọi điện để hỏi lại chủ đường dây xem sao”. Sau một lúc ngồi chờ, bên kia đường dây nhất trí cho dẫn khách vào tận nhà để thống nhất giá cả.

Người thanh niên dẫn chúng tôi vào nhà một phụ nữ trú tại khối 14 (phường Trường Thi, TP Vinh). Vừa tới nơi, người phụ nữ giới thiệu tên là Phạm Thị V. Bà V khoe đã làm XKLĐ lâu rồi, quen biết nhiều người từ trung ương tới địa phương.

Chúng tôi hỏi: “Chi phí đi Hàn Quốc như thế nào?” Người đàn bà ra giá 6.000 USD và khẳng định: “Bao cho đậu tiếng Hàn vào ngày 17-12 tới và lo từ A đến Z cho đến khi sang được Hàn Quốc. Nhưng trước mắt chỉ nhận mỗi suất 1.500 USD tiền cọc, khi nào bay sẽ nhận nốt tiền”.

Để tạo lòng tin, bà V còn khoe, trước đây bà có Cty hẳn hoi nhưng giờ đã bán để đi buôn bất động sản. Nay bắt đầu làm XKLĐ trở lại, bà vừa nhận tiền đặt cọc 5 suất đi Hàn Quốc. Thấy chúng tôi còn tỏ ra ái ngại, bà V nói: “Nếu không muốn bao trọn gói để đi mà chỉ bao đậu chứng chỉ tiếng Hàn thì chỉ mất 30 triệu đồng. Sau này muốn đi tiếp, phải chạy người trong đường dây đưa đi khoảng 30 đến 40 triệu nữa. Còn các loại phí, lao động tự chịu”.

Rời nhà bà V, chúng tôi tới trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc, đóng ở đường Hồ Tông Thốc. Tại đây, một thanh niên giới thiệu tên Khoa và anh rể tên H đang công tác tại một trường dạy nghề trong ngành quân đội nhưng chuyên chạy cho lao động đi Hàn Quốc. Thấy chúng tôi thiết tha muốn được đi, Khoa mở điện thoại gọi anh rể trao đổi.

Xong cuộc điện thoại, Khoa nói: “Anh H yêu cầu 6.500 USD để bao trọn gói. Không cần phải học tiếng Hàn, không phải lo bất cứ chuyện gì, chỉ chờ ngày gọi là đi”. Rồi Khoa nói thêm: “Muốn đi thì phải đặt cọc trước một vài nghìn đô”. Khoa căn dặn: “Nếu hôm nay và ngày mai không làm thủ tục và không đặt cọc tiền là hết hạn đấy”.

Trở lại Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, chúng tôi được một thanh niên tên Tú giới thiệu cho gặp một người khác qua điện thoại. Theo lời của Tú, anh này có thâm niên đi Hàn Quốc 11 năm nên biết rất rõ đường dây chạy đi Hàn Quốc. Chi phí bao trọn gói 150 đến 170 triệu đồng.

Anh Lê Văn Tiến (huyện Thanh Chương) mếu máo, mấy hôm trước xuống Vinh tìm cơ sở để học tiếng Hàn, được một người quen giới thiệu cho một người tên H. trú ở TP Vinh hứa đưa 6.000 USD sẽ lo trọn gói. Không cần phải qua học tiếng vẫn có chứng chỉ tiếng Hàn. Nghe lời cò mồi H, anh Tiến không ngần ngại đặt cọc trước 2.000 USD. Sáng qua (13-12), thấy thông tin trên báo Tiền Phong yêu cầu mọi người ra Hà Nội thi mới té ngửa.

 

 

 

 

 

 

Lao động bất chấp nguy hiểm leo trèo để được đăng ký dự thi tiếng Hàn tại TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: A.Khánh.

Quản lý kém

Chiều 13-12, trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Nguyên Lân – Giám đốc Sở LĐ-TB& XH Nghệ An cho biết, việc đưa NLĐ Nghệ An ra Hà Nội rồi điều LĐ tỉnh khác về Nghệ An dự thi là vấn đề hết sức bất cập. Cách quản lý như thế là thiếu trách nhiệm với dân. Nếu thành lập hội đồng thi tại chỗ mà tổ chức thi cho nghiêm túc thì đỡ tốn kém cho NLĐ.

“Vấn đề mấu chốt ở đây là do quản lý kém rồi đẩy dân ra ngoài. Lỗi này thuộc về cơ quan cấp trên, tức đơn vị tổ chức kỳ thi này” – ông Lân nói. Theo ông Lân, trước đây, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã thông báo trên truyền hình, báo chí và phát công văn về các địa phương hướng dẫn NLĐ có nhu cầu đi Hàn Quốc đừng nghe lời cò mồi mà mất tiền oan, vì không chạy chọt được, không học tiếng Hàn thì không bao giờ thi đỗ.

Ông Lân còn cho biết thêm, nếu tổ chức thi ở nơi khác, Nghệ An đỡ mang tiếng, nhưng khổ dân. Ngoài chi phí đi lại còn vấn đề an ninh trật tự… Sắp tới, LĐ ba tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình về đây dự thi, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ cho kỳ thi nghiêm túc.

Sở cũng đã đề nghị Công an tỉnh hỗ trợ, yêu cầu giám thị nghiêm, không lấy giáo viên dạy tiếng Hàn Quốc coi thi, cấm mang điện thoại di động vào phòng thi và cho người từng đi Hàn Quốc về ngồi thi riêng. Hiện nay, trước nạn cò lừa đảo nhiều như vậy, tôi cũng xin khuyến cáo LĐ bình tĩnh, tin tưởng vào năng lực thực tế của mình, vì kỳ thi sẽ diễn ra nghiêm túc.

Phân làn đường phục vụ thi

Cùng ngày, ông Phan Văn Minh – Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, phương án chuẩn bị cho kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2011 đã sẵn sàng. Liên quan việc chuyển điểm thi đối với 13.100 LĐ Nghệ An, phía Cơ quan hợp tác phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) cũng đồng ý. Đa số LĐ đã học tiếng Hàn đều đồng tình với việc chuyển địa điểm, LĐ phản đối chủ yếu là những người chưa được học tiếng Hàn và dính đến cò mồi.

Về trách nhiệm để 13.100 LĐ Nghệ An phải ra Hà Nội thi do sợ bị cò mồichi phối, ông Phan Văn Minh cho biết, tại cuộc họp ngày 25-11, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa đã có ý kiến chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An. Tuy nhiên, việc cần làm lúc này là để kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2011 diễn ra an toàn.Sau khi kết thúc kỳ thi, chắc chắn sẽ có sơ kết đánh giá và quy trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức cụ thể.

Ông Minh, cho biết: Lao động Nghệ An ra Hà Nội sẽ thi tại ba điểm ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Thủy lợi, ĐH Lao động – Xã hội. Địa phương và các trường đã hứa sẽ hỗ trợ tối đa để kỳ kiểm tra tiếng Hàn diễn ra an toàn, công bằng. LĐ Nghệ An yên tâm vì tại các điểm thi, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện ăn ở cũng như đi lại. Tại cổng các trường, cán bộ cũng như sinh viên tình nguyện sẽ hướng dẫn tận tình cho thí sinh.

Ông Minh cũng cho biết, để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, phương án phân làn giao thông đã được vạch sẵn. Ngoài ra, để ngăn chặn hành vi gian lận, kỳ kiểm tra lần này, sẽ cấm tuyệt đối thí sinh mang điện thoại và các thiết bị thu phát tín hiệu vào phòng thi. Chúng tôi đã bố trí các cổng từ giống như tại các sân bay và các biện pháp kỹ thuật khác để soi thí sinh giấu điện thoại.

Riêng tại điểm thi Nghệ An, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Cục trưởng Lao động ngoài nước và ông Lương Đức Long – Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) sẽ trực tiếp về phối hợp với các cơ quan chức năng Nghệ An để lập lại trật tự và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ thi. Dù không có thí sinh Nghệ An nhưng tại điểm thi này vẫn có tới 13.000 thí sinh đến từ ba tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Phan Sáng – Phong Cầm (Nguồn: Báo Tiền phong)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *