(HNM) – Kết quả khảo sát về thực trạng lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng đã trở về Việt Nam do Viện Khoa học lao động và xã hội và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy 42,07% số lao động sau khi kết thúc hợp đồng xuất khẩu lao động không thực hiện việc thanh lý hợp đồng, 88,9% lao động có tích lũy từ xuất khẩu lao động nhưng sử dụng chưa thực sự hiệu quả.
Các đối tượng khảo sát là người lao động (NLĐ) trở về từ thị trường Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản (giai đoạn 2004-2011), hiện đang sinh sống tại địa phương và một bộ phận đã di chuyển đến các địa phương khác. Địa bàn được khảo sát là các tỉnh Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh là những địa phương có đông người đi xuất khẩu lao động và đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam.
Gần 90% lao động có tay nghề khi đi xuất khẩu lao động, nhưng chưa được sử dụng hiệu quả
Kết quả khảo sát từ 1.450 lao động cho thấy, có tới 88,9% lao động có tích lũy từ xuất khẩu lao động. Trong đó, mức tích lũy cao và ổn định nhất thuộc về thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, thấp nhất là Malaysia. Cụ thể, mức tích lũy bình quân của người lao động làm việc đủ 3 năm ở thị trường Nhật Bản là 312 triệu đồng/người, tính lần lượt là tăng gấp 1,2 lần; 2,2 lần và 6 lần so với mức tích lũy của người lao động ở Hàn Quốc (243 triệu đồng/người), Đài Loan (145 triệu đồng/người) và Malaysia (51 triệu đồng/người). Có 11,1% người lao động không có tích lũy là những lao động bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nặng nề ở Malaysia và Đài Loan, gồm cả những người về nước trước hạn và đúng hạn. Cá biệt, có một số trường hợp lao động trẻ (18-20 tuổi) về nước đúng hạn từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không có tích lũy là do họ chưa có ý thức tiết kiệm trong quá trình sống và làm việc ở nước ngoài.
Về nước người lao động gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc là do các DN không thực sự tận dụng tay nghề của họ, mặc dù có 80,6% trong số được khảo sát có việc làm ngay, ổn định song hầu hết người lao động làm các công việc ở vị trí thấp với 57,3% là lao động giản đơn. Do đó, tỷ lệ lao động được ký kết hợp đồng lao động hay được tham gia BHXH chỉ chiếm 24% trong tổng số lao động được khảo sát. Các nhà điều tra cũng cho biết, hiện người lao động còn gặp khó khăn trong hòa nhập thị trường lao động, hầu hết họ có việc làm trong khoảng 1 tháng đầu sau khi về nước (90,39%). Nhưng để kiếm được công việc có thể phát huy được kiến thức, kỹ năng mà họ thu nhận được trong quá trình làm việc ở nước ngoài là rất hiếm. Vì vậy, thu nhập từ việc làm so với mặt bằng chung của xã hội thì lương của họ tương đối thấp, dao động từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng và có đến 17,59% người lao động có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức tiền lương tối thiểu và 20,58% có mức thu nhập cận mức tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, cũng có 46,71% lao động đã từng làm việc tại thị trường Nhật Bản và 32,98% từng làm tại thị trường Hàn Quốc có mức thu nhập 3-10 triệu đồng/tháng.
Do việc sử dụng tiền tích lũy của người lao động chưa thực sự hiệu quả nên nhiều lao động phải chấp nhận làm việc những vị trí lương thấp. Phần lớn được dùng để trả nợ phát sinh từ trước hoặc trong quá trình đi xuất khẩu lao động, xây dựng, sửa chữa nhà cửa và mua sắm đồ đạc trong gia đình. Trong khi đó, việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và đầu tư cho việc học hành còn rất hạn chế, chỉ chiếm 3,67% tổng tiền tích lũy. Vì điều này nên nhiều lao động di chuyển theo hướng từ nông thôn ra thành thị hoặc thay đổi nơi sinh sống sau khi trở về nước. Hầu hết những lao động này có tay nghề cao hơn, số tiền tích lũy nhiều hơn nên việc làm và thu nhập của họ tương đối ổn định. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước thì những lao động này có thể phát triển ngay tại địa phương nếu như có điều kiện và môi trường phù hợp để khuyến khích họ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hay tìm kiếm việc làm tại chỗ. Rõ ràng đang có một sự lãng phí quá lớn về nhân lực. Mới đây phía Hàn Quốc ban hành chính sách mới áp dụng từ ngày 2-7 về việc người lao động nào làm việc trong suốt thời gian hợp đồng tại Hàn Quốc với một chủ sử dụng lao động (được gọi là người lao động trung thành), trong vòng 3 tháng về nước có thể làm thủ tục quay lại Hàn Quốc làm việc, không phải qua kỳ thi tiếng Hàn. Họ cũng không phải làm hồ sơ đăng ký qua sở LĐ-TB&XH các địa phương. Từ đầu năm đến nay đã có 6.784 lao động được chủ sử dụng người lao động Hàn Quốc tuyển chọn, trong đó có 5.957 người lao động đã xuất cảnh.
Như vậy, để thấy các nước bạn rất rộng mở trong việc sử dụng lại nguồn lao động nước ngoài có tay nghề, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có biết đến sự lãng phí quá lớn này?