Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhấn mạnh như trên sau khi đề xuất thí điểm đưa lao động trở lại Libya của bộ được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận
* Phóng viên: Thưa ông, dựa trên cơ sở nào Bộ LĐ-TB-XH đề xuất đưa lao động trở lại Libya sau một năm tạm dừng vì những bất ổn chính trị ở nước này?
– Ông Nguyễn Thanh Hòa: Hiện tình hình chính trị của Libya từng bước ổn định. Các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại. Nhiều dự án đã được triển khai, nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng lên. Ngoài ra, một số đối tác sử dụng lao động Việt Nam, chủ yếu là các đối tác lớn của nước ngoài đầu tư tại Libya có nhu cầu sử dụng lại lao động Việt Nam cam kết thực hiện tốt các chế độ, tiền lương, bảo đảm việc làm, rủi ro cho người lao động…
Đây là cơ sở để Việt Nam cố gắng mở lại thị trường này. Dự kiến vào tuần tới, đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Bộ LĐ-TB-XH sẽ sang Libya khảo sát, tìm hiểu rõ hơn tình hình, để có đánh giá khách quan, cụ thể.
* Có bao nhiêu doanh nghiệp được thí điểm đưa lao động trở lại Libya? Khi nào thì mở rộng việc đưa lao động sang thị trường này?
– Công việc trước mắt là tập trung làm thí điểm cho tốt. Về chủ trương, chúng ta phải làm chặt chẽ, thận trọng, không ồ ạt đưa lao động đi. Nếu có mở rộng, cơ quan chức năng cũng sẽ phải xem xét kỹ từng hợp đồng và chỉ doanh nghiệp nào được cho phép mới được đưa lao động sang Libya. Các doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghiêm túc các quy định về xuất khẩu lao động, lựa chọn đối tác tin cậy, ký kết hợp đồng lao động chặt chẽ, lượng định trước các trường hợp có rủi ro.
Cuối tháng 2-2012 đưa lao động sang Libya
Hiện Công ty Sona đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để cuối tháng 2-2012 sẽ đưa một số lao động sang Libya. Theo ông Lê Văn Thanh, Cục phó Cục Quản lý Lao động ngoài nước, ngoài đoàn công tác của Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB-XH, một đoàn công tác của cục và doanh nghiệp cũng sẽ sang Libya nắm tình hình. Ông Thanh xác nhận hiện một số doanh nghiệp của Đức, Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường đưa trở lại Libya sau giai đoạn thí điểm.
Lao động Việt Nam sang Libya làm việc chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng, thu nhập bình quân từ 600 – 800 USD/người/tháng. Do bất ổn chính trị tại nước này, từ cuối tháng 2-2011, hơn 10.000 lao động đã phải về nước trước hạn.
Bài và ảnh: Duy Quốc