Không đạt chỉ tiêu xuất khẩu 90.000 lao động năm 2012

Ý thức, tác phong nghề nghiệp của người đi xuất khẩu lao động vẫn còn kém khiến họ chưa theo kịp với đòi hỏi của thị trường ngoài nước.

Công tác xuất khẩu lao động nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ngoài nguyên nhân khách quan thì ý thức làm việc và tác phong nghề nghiệp của người lao động vẫn là trở ngại khiến họ chưa theo kịp với những đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động ngoài nước.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về nội dung này.

PV: Thưa ông, năm 2012 sắp khép lại, vậy chỉ tiêu đưa 9.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài có hoàn thành như kế hoạch đề ra?

Ông Đào Công Hải: Năm nay (2012), Chính phủ đã giao chỉ tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng hết năm 2012, chúng tôi nghĩ rằng chỉ đưa được trên 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Vì sao con số đó không đạt được, chúng ta thấy rõ.

 Thứ nhất, thị trường mà nhận lao động của chúng ta có thu nhập tốt là thị trường Hàn Quốc thì do lao động của chúng ta hết 5 năm làm việc không về nước đúng thời hạn (trên 15.000 lao động hết hạn làm việc ở lại bất hợp pháp). Đây là vấn đề mà phía bạn đã đề nghị tạm dừng để giải quyết số lao động ở lại bất hợp pháp về nước, sau đó mới mở lại nhận tiếp lao đông.

Thứ 2 là thị trường Malaysia, đây là thị trường có nhiều hợp đồng tốt, có nhu cầu cao, nhưng thu nhập thì chỉ khoảng 3 đến 8 triệu đồng, nhưng từ 1/1/2013, phía Malaysia sẽ thực hiện Luật lương tối thiểu thì lương sẽ tăng cao hơn. Đây là vấn đề chúng tôi cho rằng lao động của chúng ta cũng phải nghiên cứu, xem xét hành trang của mình để tăng số lượng sang Malaysia, chứ năm nay mới chỉ đưa được khoảng 10.000 lao động đi. So với các năm trước chúng ta mới đạt 1/3.

Còn các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn ổn định nhưng số lượng không nhiều. Nhật Bản khoảng 5.500 đến 6000 các tu nghiệp sinh. Đài Loan là trên 25.000. Ngoài ra, thị trường lao động nữa mà chúng ta quan tâm là Libya. Sau khi Libya được tái thiết lại, đến nay các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại để thực hiện các dự án cũ. Trên cơ sở đó lại mời lao động nước ngoài đến trong đó có lao động Việt Nam.

Đến nay, có gần 600 lao động của chúng ta sang làm việc lại trong các công trình xây dựng khác nhau. Đây là vấn đề chúng tôi thấy rằng chắc chắn năm 2013, chúng ta sẽ giảm thiểu những hạn chế năm 2012 và đẩy mạnh để lao động chúng ta đi nhiều hơn, chất lượng cao hơn, tính cạnh tranh cao hơn để có thu nhập tốt hơn.

PV: Thưa ông, vậy đâu là những hạn chế mà chúng ta đang gặp phải trong công tác xuất khẩu lao động, nhất là so với các quốc gia trong khu vực?

Ông Đào Công Hải: Các quốc gia, khu vực gần chúng ta như Thái Lan, Indonesia hay Philippines thì họ đi được nhiều nước. Cái khác của họ với chúng ta là trình độ ngoại ngữ của họ là phổ cập, đặc biệt là tiếng Anh; rồi kinh nghiệm và tác phong công nghiệp cũng như tuân thủ kỷ luật lao động rất cao. Do đó, lao động của chúng ta cũng có thể đi được nhiều nước nhưng vấn đề là vấn đề vĩ mô. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chúng tôi kết hợp rất chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, với Bộ, ngành khác, đặc biệt là các Đại sứ quán chúng ta ở các nước để xem nhu cầu các quốc gia như thế nào. Từ đó, các doanh nghiệp chúng ta cùng phối hợp với các đối tác để đưa đi.

Hiện nay, Việt Nam có trên 500.000 lao động đang làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ và làm việc ở 30 ngành công nghiệp khác nhau. Ngoài 4 thị trường truyền thống là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đào Loan (Trung Quốc), Malaysia thì năm nay bắt đầu khởi sắc thị trường Libya, đưa lao động quay trở lại rồi cả một vài quốc gia ở Châu Phi như Angola thì cũng đang có nhu cầu thì hiện nay chúng tôi đang xem xét để đẩy mạnh vấn đề này. Kể cả Cộng hòa Síp thì lao động sang giúp việc gia đình và giúp việc tại các Trung tâm đô thị nhà hàng khách sạn cũng đông thì đang đàm phán để mà đẩy mạnh số lao động sang làm việc ở lĩnh vực đó.

Ngoài ra, để đưa được nhiều lao động đi thì chất lượng lao động chúng ta phải cao hơn. Số lượng trong 500.000 lao động khoảng 15 đến 20% có tay nghề, có trình độ văn hóa từ Đại học trở lên. Tới đây, chúng ta phải tập trung vấn đề nay, nếu trình độ chất lượng lao động chúng ta cao hơn thì đi được nhiều nước hơn. Thời gian qua mới tập trung cho lao động có kỹ năng nghề khiêm tốn. Đây là vấn đề chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

PV: Thời gian tới, vấn đề đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ được chú trọng hơn như thế nào để chúng ta có thể vươn tới những thị trường khó tính, thưa ông?

Ông Đào Công Hải: Vấn đề chúng ta cần quan tâm là vấn đề công tác đào tạo, bởi chúng ta đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng giống như chúng ta xuất khẩu hàng hóa, mà chất lượng hàng hóa không tốt hay chất lượng lao động không tốt thì chắc chắc không cạnh tranh được. Chất lượng tốt thể hiện ở 3 yếu tố: Thứ nhất là về ngoại ngữ, thứ 2 là kỹ năng tay nghề cũng cần đào tạo, yếu tố thứ 3 là kinh nghiệm tác phong công nghiệp. Lao động của chúng ta hiện nay phần lớn là lao động phổ thông, chưa có điều kiện để tích lũy hành trang cho mình. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của chúng ta phải kết hợp với các cơ sở đào tạo trong nước, phối hợp với đối tác ở nước ngoài bám theo quy trình và yêu cầu ở nước ngoài để đào tạo.

Và đặc biệt là vấn đề sức khỏe, bởi lao động của chúng ta đi làm việc ở nước ngoài không giống trong nước, bạn đòi hỏi ngoài ngoại ngữ, kỹ năng nghề và kinh nghiệm nghề nghịệp ra thì sức khỏe cần phải tốt do thay đổi khí hậu. Do đó, chúng tôi cũng đề nghị các công ty và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của chúng ta phải có kế hoạch tổng thể lại và đảm bảo nâng cao tay nghề bằng cách đào tạo.

Ngoài ra, chính sách đào tạo của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, dạy nghề nông thôn thì chúng tôi cũng lồng ghép tất cả các chính sách đó, dự án chương trình đó để làm sao khi lao động chúng ta thụ hưởng các chương trình đó đi xuất khẩu lao động sẽ đảm bảo yêu cầu phía bạn…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *