(HNM) – Ở xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai) ngoài nghề nông, người dân còn có nghề làm miến và những năm gần đây thêm nghề mới – nghề xuất khẩu lao động. Khoảng 700 lao động trong xã đang làm việc tại nước ngoài đã giúp cuộc sống nhiều gia đình trở nên khá giả, góp phần cho diện mạo nông thôn khởi sắc.
Đời sống người dân được nâng cao, làng quê xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai) ngày một khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Mạnh Dũng
Khá giả nhờ… “xuất ngoại”
Đến xã Cộng Hòa, hỏi về nghề “xuất khẩu lao động” thì ai cũng có thể kể về những gia đình có người thân đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài. Ông Vương Đắc Thân (thôn 1, xã Cộng Hòa) cười vui: “Con trai tôi là Vương Đắc Khải, sinh năm 1995, đang làm việc tại Nhật Bản. Sau khi học xong phổ thông, Khải đi học nghề cơ khí và sang Nhật Bản làm thợ năm 2016. 4 năm qua, tiền lương Khải gửi đều về cho bố mẹ mỗi tháng 30 triệu đồng”. Ông Thân nói thêm, thời gian Khải làm việc ở Nhật Bản là 5 năm, sau này khi về nước, có chút vốn, gia đình hướng Khải vào công việc kinh doanh hoặc xin làm phiên dịch cho các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam.
Là một trong số hàng trăm người ở xã Cộng Hòa đi xuất khẩu lao động trở về, anh Nguyễn Hữu Huy, công chức bộ phận “một cửa” của xã cho biết: “Tôi đi xuất khẩu lao động khi mới 20 tuổi, ở Nhật Bản 3 năm, từ 2003 đến 2006. Thời điểm đó, lương thợ cơ khí của tôi là 500 USD/tháng, chưa tính lương tăng ca, thu nhập cao hơn rất nhiều so với làm việc tương tự ở quê”.
Sau 3 năm lao động ở Nhật Bản, anh Huy về nước, ôn và thi đỗ vào đại học. Tốt nghiệp, anh trở về địa phương công tác tại UBND xã đến nay. “Với tôi, đi lao động xuất khẩu để làm “bàn đạp” cho mình thực hiện những mục tiêu khác, cụ thể là giấc mơ vào đại học và làm việc tại quê hương. Thời gian làm việc tại Nhật Bản cũng giúp tôi học hỏi, rèn luyện để có thêm kiến thức, có ý thức kỷ luật cao trong công việc. Hiện nay, em trai tôi cũng đang lao động tại Nhật Bản”, anh Huy cho biết thêm.
Ở xã Cộng Hòa, rất nhiều người dân đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vương Đắc Lập, ước tính cả xã đang có 700 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Nhâm ở thôn 1, có 2 con trai, con dâu và cháu đang sống, làm việc tại Nhật Bản; anh Vương Sỹ Lư ở thôn 5, anh Vương Đắc Trường ở thôn 6 làm việc ở Hàn Quốc đã nhiều năm nay…
Thêm nguồn lực xây dựng quê hương
Theo ông Vương Đắc Thân, phong trào đi lao động xuất khẩu ở xã Cộng Hòa “nở rộ” từ khoảng năm 2008 đến nay. Ban đầu, số người đi còn ít, nhưng thấy hiệu quả, người dân “mách” nhau, số người đi mỗi năm một nhiều hơn, chủ yếu là lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc với các nghề cơ khí, may mặc, sản xuất đồ mộc. Người dân nơi đây vốn cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên đáp ứng tốt những đòi hỏi công việc ở nước bạn.
Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa Vương Đắc Lập thông tin thêm: Những người đi xuất khẩu lao động không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao, cải thiện cuộc sống cho gia đình mà còn tạo thêm nguồn lực để đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi của xã, thôn, góp phần cho diện mạo nông thôn khởi sắc. Đến nay, thu nhập bình quân ở xã Cộng Hòa đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm và là một trong những xã dẫn đầu huyện Quốc Oai về phát triển kinh tế – trong đó có phần thu nhập không nhỏ từ xuất khẩu lao động. “Tính bình quân mỗi lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập 300 triệu đồng/năm thì với 700 lao động đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm mang lại cho nhân dân hàng trăm tỷ đồng”, ông Lập nhận định.
Đi một vòng quanh xã, có thể cảm nhận rõ những đổi thay ở Cộng Hòa. Nếu như trước đây thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và nghề làm miến, cuộc sống còn nhiều khó khăn thì đến nay, hầu hết các hộ gia đình đều có nhà cửa khang trang, đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Thanh niên khi đi xuất khẩu lao động đều gửi tiền về hỗ trợ gia đình và tiết kiệm để khi về nước có điều kiện thuận lợi khởi nghiệp. Điều đáng trân trọng là đã xuất hiện mô hình động viên nhau cùng tích cực xây dựng quê hương như ở thôn 3, xã Cộng Hòa có nhóm những người đi lao động nước ngoài kêu gọi cùng nhau đóng góp kinh phí ủng hộ các phong trào “Đền ơn – đáp nghĩa”; chăm lo cho trẻ em; xây dựng các công trình công cộng…
Ông Vương Công Đạo ở thôn 5 cho biết, trong thôn có 100 người đi xuất khẩu lao động. Thu nhập cao, kinh tế của các hộ khá lên trông thấy, năm nào trên địa bàn thôn cũng có nhà mới mọc lên. Mỗi ngôi nhà trị giá hàng tỷ đồng, chủ yếu nhờ nguồn thu này. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, xóm Nội đã có 6 ngôi nhà khởi công xây dựng. “Nếu chỉ trông vào làm nông nghiệp thì không biết đến khi nào mới có tiền tỷ để xây nhà”, ông Đạo nói vui.
Một yếu tố khá thuận lợi là hiện nay, thông tin về xuất khẩu lao động rộng mở hơn trước rất nhiều. Thị trường lao động người dân trong xã thường lựa chọn vẫn là Nhật Bản và Hàn Quốc, lao động được tuyển dụng phải có tay nghề, kỹ thuật. Tuy vậy, tương ứng với trình độ và sức lao động bỏ ra, thu nhập của người lao động ở các thị trường này cũng cao hơn. Bên cạnh yếu tố thu nhập, khi làm việc ở các nước tiên tiến, người lao động cũng chuyển biến về nhận thức, có ý thức kỷ luật tốt; nếu ham học hỏi, giỏi tiếng nước ngoài… khi về nước sẽ có nhiều cơ hội đi làm tại các công ty của nước ngoài.
Để khuyến khích người dân đi xuất khẩu lao động, chính quyền xã Cộng Hòa tạo điều kiện bằng cách hỗ trợ vay vốn ngân hàng và giải quyết các thủ tục pháp lý thuận lợi. Đoàn Thanh niên xã tích cực kết nối, hỗ trợ người lao động tìm kiếm thông tin về thị trường lao động, tiếp cận những công ty tuyển dụng lao động có uy tín, tìm hiểu những yêu cầu của các quốc gia có nhu cầu tuyển lao động… để thông tin cho người dân biết, định hướng học nghề, học tiếng…
Mặt khác, các hộ dân cũng có nhiều kinh nghiệm khi lựa chọn đơn vị tổ chức xuất khẩu lao động nên hầu như không gặp rủi ro… “Chúng tôi quen với việc tra cứu tại website của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để biết được công ty nào được phép xuất khẩu lao động, từ đó, đăng ký tham gia, nhờ vậy mà gần như cả làng đi lao động nước ngoài nhưng hiếm khi bị lừa”, anh Nguyễn Hữu Huy chia sẻ kinh nghiệm.
Có thể thấy, xuất khẩu lao động đang là hướng đi hiệu quả của người dân Cộng Hòa, qua đó góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương bởi vừa lợi nhà, vừa lợi cho cả quê hương.