Xuất khẩu lao động giúp nhiều hộ dân miền núi đổi đời. Tuy nhiên, sự chuyển biến ấy chưa căn cơ, rất nhiều người sau khi trở về đã lâm vào bi kịch
Chuyện xảy ra ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, sau 3 năm triển khai xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Chính phủ nhằm xóa đói giảm nghèo.
Đời sống có khá lên
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 6 huyện miền núi tham gia XKLĐ với tổng số lao động xuất khẩu trong 3 năm khoảng 4.000 người.
Giữa tháng 12-2012, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Văn Xong ở thôn Làng Mon, xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà – Quảng Ngãi. Giữa miền sơn cước, căn nhà cấp 4 của ông Xong khá khang trang so với hàng chục căn làm bằng những tấm phên tre trét đất lụp xụp khác. Trong nhà cũng đầy đủ những tiện nghi như tủ lạnh, máy giặt, ghế salon…
Ông Xong cho biết có được nhà cửa và những vật dụng này đều là nhờ tiền của con trai là Đinh Văn Xui gửi về sau gần 3 năm đi XKLĐ ở Maylaysia. “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, không có gạo ăn. Từ khi thằng Xui đi XKLĐ thì nhà tôi không còn nghèo nữa. Thằng Xui đi được gần 3 năm rồi và gửi về tổng cộng 120 triệu đồng để xây nhà” – ông Xong cho biết. Ngoài ra, vợ chồng ông Xong còn khoe đã gửi tiết kiệm được 60 triệu đồng, nợ nần vay cho con trước khi đi XKLĐ cũng đã được trả hết.
Hộ ông Đinh Văn Xong khá lên nhờ có con đi XKLĐ
Gần đó là nhà của anh Đinh Văn Hoàng cũng khang trang không kém. Cũng như Đinh Văn Xui, Hoàng là 1 trong 35 thanh niên ở xã Sơn Cao tham gia XKLĐ. “Đi được 2 năm, em phải về vì lý do sức khỏe nhưng cũng kịp trả nợ vay ngân hàng, dành dụm được chút ít xây cái nhà này. Em mong sang năm sẽ có cơ hội đi tiếp chứ ở vùng quê núi non này không biết làm gì cho có nhiều tiền” – Hoàng chia sẻ.
Ở các xã Ba Vì, Ba Xa, Ba Tiêu (huyện Ba Tơ) hay Sơn Bua, Sơn Mùa, Sơn Tân (huyện Sơn Tây)… cũng vậy, nhiều gia đình nhờ có con em đi XKLĐ đã tạm thoát khỏi cảnh nghèo khó triền miên. Không ít hộ còn thừa tiền gửi tiết kiệm.
Ông Võ Hữu Thịnh, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hà, cho biết toàn huyện có tổng cộng 340 người tham gia XKLĐ. Hầu hết các trường hợp đi XKLĐ đến nay cơ bản thoát nghèo, đời sống khấm khá. Chỉ có một số ít, khoảng 68 lao động, vì lý do sức khỏe phải trở về trước thời hạn nên đang gặp khó khăn, chưa trả hết nợ vay ngân hàng.
Cay đắng trở về
Theo bà Đinh Thị Phương Lan, Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Ba Tơ, từ khi triển khai chương trình XKLĐ theo Quyết định 71 của Chính phủ, nhiều gia đình trong huyện có người đi XKLĐ đã thoát nghèo nhưng còn không ít hộ lâm vào khó khăn, đa số thuộc diện “trả về sớm”.
Từ khi có chồng đi XKLĐ đến nay, gia đình chị Phạm Thị Đúp vẫn phải sống trong nhà lụp xụp, lại ôm khoản nợ lớn
Bà Lan dẫn chúng tôi đến căn nhà chị Phạm Thị Đúp ở xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, có chồng đi XKLĐ. Trong căn nhà phên tre của chị Đúp không có cái gì đáng giá ngoài một chiếc tivi nhỏ đặt giữa nhà. Chị kể: Năm 2009, anh Phạm Văn Sơn (chồng chị) quyết định vay 24,3 triệu đồng, tiền lãi phải trả 157.000 đồng/tháng, từ Ngân hàng Chính sách để đóng lệ phí đi XKLĐ sang Malaysia. Thế nhưng, khi qua bên đó làm được 1 tháng thì hết việc, phải trở về. Sau khi về, khoản nợ trên không trả được. Tiền lãi, tiền vay mỗi ngày chồng chất thêm.
Tương tự là trường hợp anh Phạm Văn Hòng ở xã Ba Vì, cũng đi XKLĐ sang Malaysia và trở về trước thời hạn hợp đồng. Hòng cho biết theo hợp đồng phải đi 3 năm nhưng khi đi được 2 năm, anh phải trở về vì điều kiện làm việc bên Malaysia hết sức khắc nghiệt. Mỗi ngày phải làm việc từ 12 đến 14 giờ, lương quy đổi sang tiền Việt Nam khoảng 3 triệu đồng. “Không phải vì cực khổ mà mình trở về. Nếu cực mà có tiền thì mình cũng ráng. Đằng này, làm rất nhiều nhưng tiền lương chủ không trả hoặc trả rất chậm. Cướp bóc bên đó cũng xảy ra thường xuyên nên rất nhiều người bỏ về” – anh Hòng nói.
Từ khi trở về, Hòng đi làm thuê kiếm sống, còn vợ Hòng hằng ngày đi chăn trâu. Khoản tiền 24,6 triệu đồng vay ngân hàng làm phí đóng XKLĐ đến nay vẫn chỉ mới trả được một nửa, nửa còn lại chưa trả được phải đóng lãi thường xuyên cho ngân hàng…
Theo thống kê của UBND huyện Ba Tơ, trong 3 năm triển khai chương trình XKLĐ, toàn huyện có 315 người XKLĐ, trong đó có 42 người bị trả về sớm. Những trường hợp này chủ yếu không bảo đảm sức khỏe, cũng có những người tự ý bỏ về nhưng phần lớn sau khi trở về phải gánh nợ đầm đìa.
Theo bà Đinh Thị Phương Lan, những trường hợp trở về trước thời hạn đều do điều kiện làm việc, an ninh bên đó còn phức tạp, làm trái việc so với hợp đồng dẫn đến nhiều người chán chường… Trong khi đó, vì không có ràng buộc trách nhiệm ở các công ty môi giới nên đã ảnh hưởng đến tâm lý, kinh tế của những người đi XKLĐ. Bằng chứng là từ đầu năm 2012 đến nay, người lao động không đăng ký đi XKLĐ ào ạt như các năm trước đó nữa. “Do vậy, theo tôi, các cơ quan quản lý Nhà nước phải yêu cầu công ty môi giới XKLĐ phải quy trách nhiệm bồi thường hẳn hoi trong những trường hợp như thế này để bảo vệ quyền lợi cho người lao động” – bà Lan nói.
(Bài viết Báo Lao động)
Đừng chăm bẵm vào Malaysia
Ông Võ Duy Yên, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Ngãi), cho biết ngoài việc thẩm định đối tác, để thực sự giúp người dân xóa đói giảm nghèo theo đúng chủ trương, cần phải khai thác nhiều hơn các thị trường lao động tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu chứ thị trường lao động như ở Malaysia khá bấp bênh, khó lòng giúp người đi XKLĐ thoát nghèo thực sự. |