(Thanh tra)- Nhận định về tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong năm 2012, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, mặc dù trong năm qua, nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới đã có dấu hiệu của sự phục hồi, nhưng ảnh hưởng xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế đối với vấn đề việc làm và thu nhập của người lao động vẫn còn rất rõ rệt. Công tác XKLĐ trong năm tới sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức. Cạnh tranh về lao động tiếp tục gay gắt Sau hơn 2 năm triển khai Quyết định 71/2009QQĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ các huỵện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đến nay đã có gần 50 doanh nghiệp tham gia với hàng trăm hợp đồng tuyển chọn lao động thành công đi làm việc tại các thị trường UAE, Algeria, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả rập Xêút, Libi, Macao… Cụ thể, có hơn 10.000 lao động các huyện nghèo đã đăng ký đi làm việc ở nước ngoài và 7.000 người đã xuất cảnh. Một số hợp đồng với ngành nghề phù hợp có thu nhập cao và điều kiện ổn định cũng được ưu tiên dành cho lao động thuộc huyện nghèo. Hàng trăm lao động ở các huyện nghèo đã được đưa đi làm việc tại các thị trường lao động có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc với mức thu nhập 20 – 30 triệu đồng/tháng. Trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào ngày 17 và 18/12/2011, 1.000 hồ sơ dự tuyển ngành nông nghiệp cũng được dành riêng cho lao động tại 62 huyện nghèo. Theo dự báo, trong năm 2012, nhu cầu tiếp nhận lao động mới vẫn còn hạn chế, nhiều quốc gia vẫn còn áp dụng các chính sách hạn chế nhận lao động nước ngoài để bảo vệ lao động trong nước, thậm chí một số nước vẫn tiếp tục dừng tiếp nhận lao động nước ngoài trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, việc thị trường lao động quốc tế bị thu hẹp, sụt giảm cũng làm cho sự cạnh tranh giữa các quốc gia cung ứng lao động vốn đã gay gắt, càng trở nên gay gắt hơn trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Nâng cao chất lượng nguồn lao động Ông Hải cho biết, năm 2012, trọng tâm của XKLĐ tập trung vào việc thực hiện các giải pháp để khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường đang phục hồi, đặc biệt là đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực và các nghề đòi hỏi trình độ cao, các nghề trong lĩnh vực dịch vụ… Đó là các thị trường truyền thống đã và đang nhận lao động Việt Nam với số lượng lớn như các nước khu vực Trung Đông, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc… Đồng thời, mở các thị trường mới phù hợp với lao động Việt Nam như: Úc, New Zealand, Canada, cũng như các hợp đồng nhận lao động thời vụ (thu hái hoa quả) tại các nước châu Âu như: Phần Lan, Thuỵ Điển… Theo ông Hải, để thực hiện các mục tiêu trên, các bộ, ngành chức năng có liên quan, phải phối hợp chặt chẽ triển khai các biện pháp vận động ngoại giao để ký kết các thỏa thuận với các nước về hợp tác lao động, tạo khung pháp lý đưa lao động đi; các biện pháp quảng bá lao động Việt Nam với thị trường lao động ngoài nước. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị nguồn lao động để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động quốc tế cũng sẽ được chú trọng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ… Ngọc Diệp(Báo thanh tra) |
Giờ làm việc
T2 - T7 | 8:00 - 17:00