Dự án cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về “Trao quyền cho phụ nữ Việt Nam đi xuất khẩu lao động” nhằm nâng cao kiến thức về giới và vấn đề di cư ở Việt Nam theo hướng xây dựng chính sách và cung cấp dịch vụ phù hợp.
Với nguồn dữ liệu thu được từ 87.000 lao động xuất khẩu do Cơ quan Phụ nữ của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNWomen) hỗ trợ, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có thể tiếp cập thông tin liên quan đến nghề nghiệp, nơi đến của phụ nữ đi xuất khẩu lao động, qua đó hiểu rõ hơn những vấn đề cần ưu tiên trong bảo hộ phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Đây là một trong những kết quả của nhóm điều phối Chương trình Giới giữa Liên hợp quốc và Việt Nam nhằm thúc đẩy thực hiện các ưu tiên quốc gia về bình đẳng giới và xoá bỏ bạo lực giới.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2011, cả nước đưa được 88.298 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có gần 32 nghìn lao động nữ, chiếm khoảng 36%.
Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015 nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới, từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vị thế của người phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020.