Hai khoảng tối trong bức tranh xuất khẩu lao động

Gần 90% số người đi xuất khẩu lao động về nước có tích lũy, nhưng vẫn phải đối mặt với nợ nần. Tại những thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập càng cao, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn càng nhiều.

Đó là hai vấn đề nổi lên trong kết quả khảo sát được Viện Khoa học lao động – xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tiến hành trong năm 2010-2011, tại 8 tỉnh, thành phố có tỷ lệ xuất khẩu lao động lớn, gồm Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và TP.HCM. Đối tượng khảo sát là những lao động đi làm việc tại 4 thị trường chiếm 70% tổng số lao động xuất khẩu của Việt Nam hàng năm là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia.

“So với mức lương khi làm việc ở trong nước, thu nhập bình quân của những lao động đi làm việc ở nước ngoài cao hơn nhiều lần, như làm việc tại Nhật Bản cao hơn 7 lần, tại Hàn Quốc gấp 9,5 lần, ở Đài Loan là 9 lần và Malaysia gấp 3,9 lần”, báo cáo kết quả khảo sát nêu và cho biết, Nhật Bản là thị trường có mức lương cao nhất, kế đến là Hàn Quốc, Đài Loan và cuối cùng là Malaysia. Nếu làm việc đủ 3 năm, một lao động tại Nhật Bản về nước có thể tích lũy được trung bình 312 triệu đồng, tại Hàn Quốc là 243 triệu đồng, Đài Loan 145 triệu đồng và Malaysia 51 triệu đồng.

“Điều đáng lo là, thị trường nào trả lương càng cao, điều kiện làm việc càng tốt, thì số lao động bỏ trốn càng cao”, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa nói và cho biết, với mức lương trung bình hơn 10 triệu đồng/tháng, thậm chí tới 30 triệu đồng/tháng, được sang Nhật Bản và Hàn Quốc làm việc là mơ ước của đại đa số lao động Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là hai thị trường mà lao động Việt Nam bỏ trốn nhiều nhất, gây mất uy tín với các đối tác tuyển dụng phía nước bạn. Đơn cử tại Hàn Quốc, cứ 3 lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng, thì có 1 người bỏ trốn, ở lại lao động bất hợp pháp. Đây là tỷ lệ cao nhất trong tổng số 15 quốc gia ký kết hợp tác lao động với nước này.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên cũng được chỉ rõ trong kết quả điều tra của Viện Khoa học lao động – xã hội. Theo đó, nguyên nhân lớn nhất là có tới gần 58% người lao động phải nộp chi phí cao hơn hàng chục lần so với quy định. Để sang Hàn Quốc làm việc, nhiều người phải trả tới 10.000 USD, trong khi theo quy định chỉ mất chưa tới 700 USD. Do mất một khoản tiền quá lớn, mà hầu hết là tiền vay lãi, nên phần lớn lao động đều có tâm lý muốn bỏ trốn sau khi hết hợp đồng lao động, ra ngoài làm việc bất hợp pháp để gỡ lại chi phí.

Tìm hiểu kỹ hơn thì được biết, do thời gian từ lúc hoàn thành thủ tục, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đến khi xuất cảnh thường mất 4-8 tháng, thậm chí có lao động phải chờ tới 1-2 năm, nhiều người đã tìm tới “cò” để mong được đi sớm hơn. Lợi dụng tâm lý này, nhiều “cò”, thậm chí cả DN, đã yêu cầu người lao động đóng thêm hàng nghìn USD và hứa sẽ tìm cách cho xuất cảnh sớm.

Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp (DN) không giải thích rõ các điều khoản hợp đồng cho người lao động, thậm chí cố tình lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người lao động để “gài” và kiếm lời bằng các điều khoản hợp đồng hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Nhiều vụ việc vỡ lở thời gian qua cho thấy, người lao động chỉ được ký vào hợp đồng trước khi lên máy bay, không được đọc, hoặc có đọc cũng phải chịu vì sự đã rồi. Sang đến nước bạn, lao động phải làm công việc nặng nhọc, độc hại với mức lương thấp, thậm chí không được trả lương, khác hẳn những gì mà DN đã “vẽ” ra với họ trước khi đi. Hết thời hạn lao động, lao động về nước với số nợ và tiền lãi đè nặng lên vai, trong khi DN lại tìm cách phủi tay với những điều khoản hợp đồng bất hợp lý mà người lao động “buộc” phải ký.

“Tình trạng bất cập trong công tác xuất khẩu lao động hiện nay phần lớn là do yếu kém về năng lực quản lý”, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, người từng nhiều năm làm công tác giám sát vấn đề này nói và cho hay, thực tế, chỉ có khoảng 30% trong tổng số gần 200 DN xuất khẩu lao động đang hoạt động có hiệu quả. Các DN, đặc biệt là những DN trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty… khi xin cấp phép thì người đại diện là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhưng khi hoạt động thì người điều hành lại “chẳng liên quan” gì đến các tổng công ty. Thậm chí, từ một giấy phép, DN “đẻ” thêm nhiều chi nhánh để tuyển lao động.

Với gần 90% lao động có tích lũy sau khi về nước, kết quả điều tra cũng cho thấy, người lao động mất tới gần 35% tiền tích lũy để trả nợ phát sinh từ trước hoặc trong quá trình đi xuất khẩu lao động. Số còn lại đa phần không được sử dụng hiệu quả, mà chủ yếu chi cho xây dựng, sửa chữa nhà cửa (gần 29%), mua sắm đồ đạc (gần 11%). Việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, học hành rất hạn chế, chỉ chiếm tương ứng 8,79% và 3,67% tổng số tiền tích lũy. Do đó, có tới hơn 48% lao động gặp khó khăn sau khi về nước và 76% không tìm được việc làm do các chính sách hỗ trợ người đi xuất khẩu lao động về nước còn chung chung, các địa phương cũng thiếu cơ sở dữ liệu về thông tin việc làm, thị trường lao động…

Có thể thấy, kết quả điều tra của Viện Khoa học lao động – xã hội đã chỉ ra những khoảng tối trong bức tranh về xuất khẩu lao động. “Thời gian tới phải xem xét cách làm của các nước khác để đánh giá lại cách làm của mình có còn phù hợp không. Ý thức của lao động các nước khác rất cao, có những thị trường lao động thu nhập thấp nhưng họ vẫn trụ được. Thế nên, cần nghiên cứu cả quy trình, cũng như trợ giúp, hỗ trợ người lao động sau khi về nước”, ông Hòa nhấn mạnh.

(baodautu.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *