(Petrotimes) – Theo dự báo, trong năm 2012 tình hình kinh tế xã hội trên thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều quốc gia còn áp dụng chính sách hạn chế lao động nước ngoài để bảo vệ lao động trong nước. Do đó, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam trong năm nay cũng đứng trước nhiều thách thức.
Nhiều khó khăn
Theo các doanh nghiệp hoạt động XKLĐ tại TP HCM, nền kinh tế thế giới đang hồi phục nhưng diễn biến khá phức tạp và khó lường, thị trường XKLĐ vẫn còn gặp một số khó khăn và thử thách. Bên cạnh việc cắt giảm lao động do nhu cầu lao động của các nước sụt giảm thì một số nước vẫn còn chính sách hạn chế nhập khẩu lao động và đòi hỏi khắt khe hơn với lao động nước ngoài để bảo vệ lao động trong nước.
Đơn cử như, chỉ số thất nghiệp của Cộng hòa Séc tăng cao, đạt 9,1% trong tháng 1/2012 và số người thất nghiệp đã lên tới con số hơn 500 ngàn người. Vì vậy, mới đây Chính phủ Séc cũng đã gửi công văn yêu cầu các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội không tiếp tục cấp giấy phép lao động với những công việc không cần đến bằng tốt nghiệp cho người ngoại quốc.
Theo ông Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, thị trường lao động ngoài nước hiện nay vẫn còn sử dụng lao động nước ngoài chưa qua đào tạo, lao động phổ thông giản đơn nhưng ở mức độ rất hạn chế. Đến nay, hầu hết các nước đều yêu cầu người lao động phải có tay nghề và trình độ ngoại ngữ nhất định.
Trong những năm qua, nhiều lao động nước ta tại các nước như: Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia tự ý bỏ việc, cư trú, lao động bất hợp pháp cũng làm giảm uy tín của người lao động Việt Nam trên các thị trường lao động quốc tế.
Ngoài ra, tình hình XKLĐ khó khăn sẽ làm gia tăng tình trạng cò mồi, lừa xuất khẩu lao động. Những người lao động thiếu thông tin, không tiếp cận được với các đơn vị trực tiếp tuyển lựa lao động đi nước ngoài hoặc đã tham gia các kỳ tuyển chọn nhưng không đủ điều kiện là đối tượng mà bọn lừa đảo hướng tới để lừa “chạy” làm thủ tục đi XKLĐ. Người lao động cần cảnh giác, tìm hiểu thông tin về các chính sách, chương trình XKLĐ và thông tin về các doanh nghiệp được phép XKLĐ để bảo vệ mình.
Tăng khả năng cạnh tranh
Năm 2012, Việt Nam dự kiến xuất khẩu khoảng 100 ngàn lao động ra nước ngoài. Để thực hiện điều này, trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực hiện các giải pháp để khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường đang phục hồi; tập trung khai thác thị trường XKLĐ truyền thống như: Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Trung Đông. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới phù hợp với lao động Việt Nam như: Australia, New Zealand, Canada, Phần Lan, Thụy Điển, đặc biệt là đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực mà trước đây chưa được quan tâm khai thác nhiều do thiếu nguồn lao động như các nghề đòi hỏi trình độ cao, những ngành nghề trong lĩnh vực dịch vụ, chăm sóc sức khỏe.
Hiện nay, tình hình XKLĐ khó khăn thì việc cạnh tranh của các nước XKLĐ càng trở nên gay gắt. Việc quan trọng hàng đầu hiện nay là nâng cao chất lượng lao động để nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam. Mỗi doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam nên hợp tác với một số trường dạy nghề và ngược lại. Ngoài ra, doanh nghiệp XKLĐ cần bán sát, dự báo được nhu cầu của thị trường lao động nước ngoài về ngành nghề, trình độ để chủ động trong đào tạo và cung ứng lao động. Bên cạnh việc nâng cao tay nghề thì người lao động cũng cần phải được đào tạo để có hiểu biết về những chính luật lao động của thị trường mà người lao động hướng tới.
Ông Tạ Quang Minh – Trưởng phòng XKLĐ của Công ty Saigon Tourist tại TP HCM cho biết: “Hiện nay, trước khi đưa người lao động qua nước ngoài làm việc công ty chúng tôi sẽ hỗ trợ đào tạo tay nghề và đào tạo ngoại ngữ. Bên cạnh đó, người lao động cũng sẽ được phổ biến những kiến thức pháp luật và luật lao động của các thị trường ở các nước sở tại.
Những tín hiệu mới
Trong năm 2011, nước ta đã xuất khẩu được khoảng 88 ngàn lao động. Hiện nay, tại các thị trường XKLĐ truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia có khoảng 200 ngàn lao động Việt Nam, chiếm khoảng 40% tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sau một thời gian gián đoạn, việc xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc do số lao động cư trú bất hợp pháp khá cao thì trong năm 2012 thị trường Hàn Quốc cũng dự kiến tuyển 15.000 lao động nước ngoài, trong đó, ngành sản xuất chế tạo là 11.700 người, xây dựng 1.000 người, nông nghiệp 1.000 người, ngư nghiệp 1.300 người. Hiện, số lao động Việt Nam cho các nhu cầu trên đã hoàn tất kỳ kiểm tra tiếng Hàn và đang chờ được tuyển chọn. Bên cạnh đó, trong năm nay Hàn Quốc còn dành riêng cho Việt Nam thêm 400 chỉ tiêu lao động đối với những lao động đã kết thúc hợp đồng về nước đúng thời hạn được quay trở lại làm việc.
Ngoài ra, thị trường Libya sau một thời gian tạm ngưng nhận lao động nước ngoài, dự kiến đến tháng 6 năm nay lao động Việt Nam có thể tiếp tục trở lại làm việc.
Ông Tạ Quang Minh – Trưởng phòng XKLĐ của Công ty Saigon Tourist tại TP HCM cho biết: Nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động vẫn còn nhưng quan trọng là người lao động có đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường hay không? Dự kiến, trong năm 2012 công ty sẽ đưa sẽ khoảng 500 lao động sang làm việc tại các nước: Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản và các nước Trung Đông, trong đó Malaysia là thị trường truyền thống của công ty. Hiện nay, số lượng lao động tại TP HCM đi XKLĐ chiếm khoảng 10% còn lại là ở các tỉnh thành khác, lương ban đầu của một lao động phổ thông khi qua làm việc tại Malaysia dao động 6-7 triệu đồng/tháng.
Mai Phương