Gia đình thủy thủ bị hải tặc bắt “cầu cứu” Bộ LĐTB&XH

(VTC News) – Tối 31/1, 8 gia đình thuyền viên bị hải tặc Somalia bắt cóc (riêng huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có 4 người) đã lên đường ra Hà Nội, kiến nghị Bộ Lao động thương binh và Xã hội sớm có biện pháp đưa con em họ trở về nước an toàn.

Theo ông Trần Trương, bố đẻ của thuyền viên Trần Minh Trí (1991, thường trú thôn Minh Thành xã Quỳnh Long huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), phía hải tặc Somalia đã cho phép 12 thuyền viên Việt Nam và các thuyền viên người Đài Loan, Trung Quốc trên tàu FV Shiuh Fu-1 điện thoại về nhà với thời gian 5 phút.

 

 Qua điện thoại, anh Trí cho  biết, con tàu đã bị hư hỏng nặng, hải tặc đã đưa tất cả các thuyền viên trên tàu lên bờ để giam giữ và yêu cầu chủ tàu chuyển tiền chuộc cho chúng. Do chủ tàu chậm nộp tiền chuộc tàu nên hải tặc đã chặt đứt một cánh tay của thuyền trưởng đồng thời liên tục đánh đập thuyền trưởng và thuyền phó.

Có khả năng chủ tàu không chuộc tàu nữa do tàu đã bị hư hỏng nặng. Hải tặc nói cho phép thuyền viên điện về nhà. Nếu không sớm trao tiền chuộc tàu và người thì lần này là lần cuối mọi người được nghe thấy gióng nói của các thuyền viên.

Được biết, Trí là người con rất hiếu thảo. Đang học dở lớp 9 thì Trí phải bỏ học để đi xuất khẩu lao động nuôi em.

Cùng thôn Minh Thành cũng bị hải tặc bắt giữ còn có thuyền viên Hồ Xuân Hương (SN 1989) và thuyền viên Vũ Văn Ba (SN 1991), thuyền viên Nguyễn Văn Hải (SN 1993) thôn Thành công.

Bà Bùi Thị Huyền, mẹ của thuyền viên Hồ Xuân Hương đau xót kể: Khi làm hợp đồng thì phía công ty môi giới ký trả mỗi tháng 700 USD, trừ lại 20 USD để đặt cọc, sau khi hết hạn hợp đồng sẽ thanh toán. Như vậy, nếu theo hợp đồng thì mỗi tháng gia đình sẽ nhận được 14  triệu tiền đồng sau khi đã trừ chi phí. Tuy nhiên, từ khi thuyền viên Hương bị cướp biển bắt giữ đến nay, phía công ty môi giới chỉ trả 10.200.000 đồng/quý.

Ngày 25/12/2010, tàu cá FV Shiuh Fu-1 của Đài Loan (với 26 thuyền viên Việt Nam và Trung Quốc) bị cướp biển Somalia bắt giữ trên biển Madagascar (Ấn Độ Dương). Trong đó, có 10 thuyền viên quê Nghệ An và 2 thuyền viên quê Hà Tĩnh do ba công ty đưa đi gồm: 4 thuyền viên của Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco), 7 thuyền viên của Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ tổng hợp Hà Nội (Servico) và một thuyền viên của Công ty TNHH một thành viên Vạn Xuân.

Ngày 7/1/2011, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu các công ty đưa 12 thuyền viên quê Nghệ An, Hà Tĩnh trên đi xuất khẩu lao động trên tàu FV Shiuh Fu No 1, phải thường xuyên thông báo tình hình vụ việc cho gia đình và địa phương thuyền viên cư trú

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *