Bị lừa đảo đưa sang Malaysia rồi bị bỏ rơi, nhiều lao động Việt Nam phải đến Đại sứ quán cầu cứu. Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Hồng Thao khuyên người lao động khi ký hợp đồng phải yêu cầu các công ty trao trả một bản để nắm chắc thông tin.
– Malaysia nhập khẩu lao động Việt Nam trong nhiều năm, Đại sứ đánh giá thế nào về tình hình lao động Việt tại đây?
– Malaysia và Việt Nam là hai nước láng giềng gần gũi, có quan hệ ngoại giao gần 40 năm. Những năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ. Chúng ta bắt đầu đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia từ năm 2003, có lúc lao động tại đây đạt 100.000 người, hiện nay khoảng 65.000.
Lao động Việt Nam được chủ sử dụng đánh giá cao bởi sự nhanh trí, sáng tạo, tiếp thu công việc nhanh chóng và chủ động, cần cù, chịu khó… Nhưng họ cũng có một số hạn chế như kỷ luật lao động chưa cao, sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sinh hoạt. Thị trường Malaysia so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản thu nhập thấp hơn, nhưng thích hợp với chính sách xóa đói giảm nghèo của nhà nước ta, đảm bảo có thể tích lũy. Đây cũng là thị trường dễ tính, tiếp thu lao động giản đơn không cần đào tạo, không cần ngoại ngữ nhiều.
Tuy nhiên, Malaysia khá rộng với 13 bang, rất nhiều nơi điều kiện lao động xa khu thành thị, làm việc trong rừng. Ban quản lý lao động ở đây số lượng ít, phải đi nhiều nơi giải quyết.
– Khủng hoảng kinh tế đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, lao động Việt Nam tại Malaysia chịu ảnh hưởng như thế nào?
– Thời gian gần đây khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng nhiều đến người lao động. Một số công ty đã ký hợp đồng sau đó lại bị đối tác hủy nên không thể tạo điều kiện cho người lao động. Trường hợp này phải có thời gian và sự bàn bạc, thông cảm lẫn nhau giữa chủ và người lao động.
Vừa qua khi nhận được thông tin một số công nhân không được bố trí công ăn việc làm, chúng tôi đã liên hệ với chủ sử dụng yêu cầu cố gắng bố trí công việc cho họ. Thời gian chưa có việc làm phải trả lương cơ bản, trường hợp nào muốn về nước thì tạo điều kiện. Nhiều công nhân đồng tình với hướng giải quyết trên nhưng cũng có một số chưa hiểu hết, đòi hỏi chủ nếu không đáp ứng thì xé hợp đồng bỏ đi.
Tháng trước sứ quán phải giải quyết hơn 40 công nhân Việt Nam đình công ở công ty Nhật đòi về nước. Lý do là khi lao động sang, nhà máy bị mất hợp đồng, vẫn trả lương cơ bản, song công nhân yêu cầu phải có việc làm thêm, lương cao hơn. Điều đó là chính đáng vì ai đi làm cũng muốn lương cao, nhưng chủ khó khăn thì mình cần san sẻ. Đại sứ quán làm việc với công ty và họ đã đền bù cho công nhân. Theo luật thì mỗi công nhân được bồi thường 3 tháng lương nhưng công ty đã đền bù 8 tháng. Một số anh chị em sau đó muốn ở lại làm đã được tạo điều kiện.
– Không ít lao động bị công ty trong nước đưa sang rồi đem con bỏ chợ. Đại sứ quán đã giúp đỡ họ thế nào?
– Malaysia ở gần nước ta nên có nhiều công ty chui (không có giấy phép xuất khẩu lao động) tự đưa người sang rồi bán lại, bỏ rơi họ. Hoặc lao động chỉ nghe công ty đó quảng cáo, đến khi sang công việc không được như ý thì vỡ mộng, tự ý bỏ ra ngoài, như vậy là tự mình vi phạm hợp đồng. Có trường hợp phải chạy đến Đại sứ quán kêu cứu. Chúng tôi đã áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ lao động như xác minh nhân thân và cấp giấy thông hành để họ về nước sớm.
Thực trạng này đã diễn ra từ lâu và cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng cũng như Bộ Lao động với UBND tỉnh, huyện. Người lao động cũng phải cảnh giác, phải ý thức được quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi được công ty môi giới đưa đi. Để cho chắc chắn, công nhân có quyền yêu cầu công ty khi ký hợp đồng trao trả lại một bản bởi phần lớn công ty ma tuyển mộ, thu tiền và tự ký hợp đồng với công ty nước bạn.
Tôi cho rằng cần tăng cường công tác giáo dục, kiểm soát hành chính, hình sự để không tồn tại những công ty ma tuyển mộ lao động bất hợp pháp. Ngoài ra, cần có chương trình giáo dục, trang bị kiến thức cho công nhân trước khi đi, cả kiến thức văn hóa, tôn giáo…