Trong thời gian 4 năm 10 tháng, hoặc 6 năm làm việc tại Hàn Quốc, mỗi người lao động gửi về cho gia đình từ 55.000 đến 70.000 USD. Ước tính hàng năm lao động nước ta chuyển về khoảng 700 triệu USD từ Hàn Quốc. Song hiện nay, thị trường Hàn Quốc đã tạm dừng việc ký gia hạn Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động với nước ta, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý của 2 nước, ảnh hưởng quyền lợi lao động chính đáng của hàng nghìn người lao động trong đó có lao động Bắc Ninh có nhu cầu đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.
Từ năm 2004 đến nay, theo chương trình EPS (Luật Cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài) sang Hàn Quốc, Việt Nam đưa gần 70.000 lao động, trong đó tỉnh Bắc Ninh có hơn 2.000 người. Đi theo chương trình này người lao động phải chi ở mức tối thiểu 630 USD, trong khi đó, mức thu nhập bình quân từ 900 đến 1.200 USD/tháng. Bên cạnh đó, người lao động được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ, được đối xử bình đẳng và hưởng những quyền lợi như lao động của Hàn Quốc. Nhờ đó, đã không ít gia đình xóa được đói, nghèo, vươn lên khá, giàu. Với số vốn cũng như kỹ năng kinh nghiệm làm việc đã tích lũy được ở Hàn Quốc, khi về nước, họ có thể dễ dàng khởi nghiệp thành công, mở ra hướng làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Với những ưu đãi trên, Hàn Quốc thực sự là địa chỉ tin cậy và hấp dẫn đối với người lao động, nhất là lao động muốn thoát nghèo.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đang nổi lên tình trạng nhiều người hết hạn lao động, nhưng trốn ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Theo thống kê của phía Hàn Quốc, năm 2012 tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động không về nước là hơn 50%, trong khi lao động của các nước khác đang làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng chỉ ở mức dưới 20%. Hiện tại, Bắc Ninh có 191 lao động trong 6 tháng đầu năm 2013 hết hạn hợp đồng phải về nước. Nếu số lao động này không về nước mà ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì hồ sơ của 353 lao động Bắc Ninh còn hiệu lực trên mạng sẽ không có cơ hội được lựa chọn để sang Hàn Quốc làm việc.
Để lao động tỉnh Bắc Ninh có cơ hội được tham gia chương trình EPS, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 11/CT-UBND nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc và đón lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn. Chỉ thị nhấn mạnh vào 2 mục tiêu: Vừa bảo đảm mọi người lao động có nguyện vọng, đủ điều kiện đều có cơ hội được làm việc tại Hàn Quốc, đồng thời lao động là người Bắc Ninh làm việc tại Hàn Quốc sẽ trở về nước đúng thời hạn hợp đồng. Đây sẽ là giải pháp để tăng cường công tác quản lý xuất khẩu lao động.
Việc người lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước có nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân cơ bản là người lao động thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật, thiếu kiến thức pháp luật, ham lợi, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng. Đối với những người lao động không chuyển đổi nơi làm việc trong suốt thời gian 4 năm 10 tháng, hoặc 6 năm làm việc tại Hàn Quốc, về nước đúng thời hạn, sau 3 tháng sẽ được làm thủ tục trở lại Hàn Quốc mà không phải dự kiểm tra tiếng Hàn. Hiện tại, Bắc Ninh có 15 lao động thuộc đối tượng này trở lại Hàn Quốc làm việc.
Để việc cung ứng và sử dụng người đi xuất khẩu lao động giữa 2 nước Việt- Hàn đạt được kết quả tốt đẹp, thì người lao động cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật, hợp đồng lao động. Từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cho mọi người và cho chính mình, góp phần phát triển xuất khẩu lao động một cách bền vững.
Phải tuyên truyền tới mọi người dân
(Ông Lương Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội)
Theo chương trình EPS, Việt Nam đã đưa khoảng 70.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Từ cuối năm 2010 đến nay, một số lao động đã hết hạn hợp đồng, song cố tình không về nước mà ở lại Hàn Quốc cư trú, làm việc bất hợp pháp. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng đến pháp luật của Hàn Quốc và quy định của pháp luật Việt Nam về xuất khẩu lao động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ hợp tác lao động giữa 2 nước, dẫn đến nguy cơ Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động tại Việt Nam. Trước thực trạng trên, Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã và đang thực hiện nhiều giải pháp ở cả trong nước và tại Hàn Quốc, nhằm giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước. Một mặt, Trung tâm phối hợp với tất cả các tỉnh, thành phố trong nước có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc để tổ chức tọa đàm, tuyên truyền đến mọi người dân quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động tại Hàn Quốc và những thiệt hại khi người lao động cố tình cư trú, làm việc bất hợp pháp. Mặt khác phối hợp với cơ quan chức năng của Hàn Quốc tổ chức nhiều hoạt động tại Hàn Quốc để vận động người lao động về nước đúng thời hạn. Tuy nhiên, kết quả chưa thực sự khả quan, chúng ta vẫn phải tăng cường công tác tuyên truyền đến mọi người dân có người thân đang làm việc tại Hàn Quốc để họ có sự nhìn nhận đúng đắn và vận động người thân về nước đúng thời hạn.
Bắc Ninh đang tăng cường các hoạt động để đưa lao động Việt Nam về nước đúng thời hạn
(Ông Đỗ Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội)
Nhằm nâng cao nhận thức của người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và quyền lợi, nghĩa vụ của mình, cũng như ngăn chặn những thông tin thất thiệt làm thiệt hại đến người lao động và kế hoạch xuất khẩu lao động của tỉnh, Bắc Ninh đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực để đưa lao động về nước đúng thời hạn. Hiện tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể và vận động đến từng gia đình có người thân tham gia xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc về lợi ích cũng như tác hại của cá nhân và cộng đồng khi lao động về nước đúng thời hạn và không đúng thời hạn. Bên cạnh đó, yêu cầu các gia đình có con, em cư trú bất hợp pháp ký cam kết với chính quyền vận động con, em mình về nước. Đồng thời hạn chế tuyển dụng lao động tại các xã, phường, thị trấn có nhiều lao động bỏ trốn, gia đình có người bỏ trốn, nhằm hạn chế mức thấp nhất lao động xuất khẩu không về nước đúng thời hạn.
Chúng tôi luôn khuyên người thân về nước đúng thời hạn
(Ông Phạm Sỹ Mài, xã Song Giang, Gia Bình)
Con trai tôi, cháu Phạm Sỹ Nguyện đang lao động tại Hàn Quốc được 4 năm, 8 tháng, chỉ còn 2 tháng nữa là hết thời hạn hợp đồng. Mỗi tháng cháu gửi về cho gia đình được 1.000USD. Thực ra, cũng nhiều lần cháu xin gia đình cho ra làm ngoài, lương sẽ cao hơn, nhưng chúng tôi nhất quyết không đồng ý. Bản thân tôi cũng được tuyên truyền và hiểu rằng nếu cháu bỏ Công ty ra làm ngoài là cư trú, làm việc bất hợp pháp. Khi các cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện sẽ rất phiền phức, không những bị trục xuất về nước mà còn thiệt hại nhiều về tài sản. Hiện gia đình đang chuẩn bị đón cháu về và nếu cháu vẫn có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động thì cũng mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ.