Cẩn trọng với trung tâm tuyển dụng “lừa”

Bắt đóng lệ phí tuyển dụng, lệ phí đào tạo sau đó đưa ra những điều kiện khó để người lao động không thể vượt qua hoặc đưa từ trung tâm tuyển dụng này đến trung tâm tuyển dụng khác khiến người lao động “nản” phải tự động bỏ việc – đó là những thủ đoạn của rất nhiều trung tâm tuyển dụng lao động lừa đảo trên địa bàn Hà Nội.
Nhiều dạng “bẫy” lừa tuyển dụng

Đọc được quảng cáo tuyển dụng việc làm là nhân viên bán xăng với lương khởi điểm lên đến 5 triệu đồng/ngày trên Báo Mua và Bán, Nguyễn Văn Sơn, sinh viên Trường Cao đẳng Xây dựng đã tìm đến một “công ty” tại phố Khương Trung để nộp hồ sơ.

Không giống như tưởng tượng, trụ sở “công ty” là căn phòng chỉ rộng chừng 10m2 khá xập xệ không biển hiệu. Tại đây, Sơn được nhân viên công ty yêu cầu đóng 200.000 đồng là lệ phí tuyển dụng và 300.000 đồng là lệ phí đào tạo. Sau khi đóng đủ số tiền trên, Sơn được nhận một tập tài liệu khoảng 200 trang liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy về đọc và hẹn hai ngày sau đến kiểm tra đầu vào. Nếu qua được vòng kiểm tra sẽ được nhận vào làm ngay.

Ngày hôm sau, Sơn đến làm bài kiểm tra. Tuy nhiên, thật ngoài sức tưởng tượng của Sơn, bài kiểm tra bao gồm 150 câu hóc búa không giống như trong tài liệu. Và kết quả tất yếu là Sơn đã không vượt qua được. Số lệ phí 500.000 đồng ban đầu không được hoàn trả lại. Lúc này Sơn mới hiểu là mình đã rơi vào “bẫy” tuyển dụng việc làm.

Rất nhiều người lao động có nhu cầu việc làm cũng đã sập “bẫy” tuyển dụng của công ty này. Như Trần Văn Quảng, 21 tuổi, ở Kim Động, tỉnh Hưng Yên cũng đã nộp 500.000 đồng và nhanh chóng bị “rớt” tại vòng kiểm tra trong cuộc thi tuyển vào vị trí nhân viên bán xăng.

Không chỉ đưa ra những điều kiện khó khiến người lao động không vượt qua được, nhiều trung tâm tuyển dụng lại “đẩy” người lao động từ trung tâm này đến trung tâm tuyển dụng khác. Chỉ sau một thời gian, người lao động thấy “nản” và tự động bỏ việc như trường hợp của Cao Thị Hạnh, sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.

Chẳng là, qua một tờ rơi, Hạnh biết một trung tâm tại đường Trường Chinh, Hà Nội đang tuyển nhân viên bán hàng mỹ phẩm. Sau khi đến đây, Hạnh được yêu cầu nộp 290.000 đồng là lệ phí đầu vào và được đưa đến một trung tâm tại đường Kim Ngưu, Hà Nội. Tại đây, Hạnh lại phải đóng thêm 120.000 đồng. Công việc Hạnh nhận được không phải là đi bán hàng mà là đi phát tờ rơi tuyển dụng lao động với yêu cầu phải có 3 người đến xin việc trong vòng 10 ngày mới nhận được lương. Tuy nhiên, sau 10 ngày, trung tâm thông báo vẫn chưa có người nào đến xin việc và Hạnh không được trả lương. Chán nản và biết mình đã rơi vào “bẫy” việc làm, Hạnh tự động bỏ việc.
Công ty lừa đảo tuyển dụng
Người lao động nên tìm đến các đơn vị được cấp giấy phép về tuyển dụng việc làm để tránh bị lừa đảo.
Người lao động cần tìm đến các đơn vị được cấp giấy phép
Theo đại diện Phòng Chính sách lao động việc làm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội thì thời gian qua, Sở chưa nhận được đơn thư phản ánh nào của người lao động về việc các trung tâm tuyển dụng có dấu hiệu lừa đảo. Hiện trên địa bàn Hà Nội chỉ có 30 đơn vị được Sở cấp phép hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu việc làm. 30 đơn vị này đều có biển hiệu rõ ràng, niêm yết công khai giấy phép do Sở cấp về chức năng tuyển dụng việc làm. Người lao động khi đến các đơn vị này không phải đóng bất kỳ khoản phí nào.

Đặc biệt, Hà Nội hiện có 2 sàn giao dịch việc làm tại địa chỉ 285 Trung Kính và 144 Trần Phú, Hà Đông với các phiên giao dịch cố định vào các này 1, 10, 15, 20, 28 hàng tháng. Đây là nơi người lao động có nhu cầu việc làm có thể tìm đến. Ngoài các phiên cố định, trong năm 2011, Sở cũng đã tổ chức nhiều phiên lưu động tại các quận, huyện như Sóc Sơn, Long Biên, Hoà Đức, Quốc Oai… hy vọng sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu việc làm của người lao động.

Trong thời gian qua, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã cùng các ban, ngành tổ chức kiểm tra, rà soát các trung tâm tuyển dụng việc làm. Qua công tác kiểm tra, đoàn công tác cũng đã phát hiện một số cá nhân tự ý đứng ra tuyển dụng lao động tại một số địa chỉ trên đường Khuất Duy Tiến, đường Bưởi, đường Hoàng Quốc Việt… không có giấy phép. Đoàn đã yêu cầu các cá nhân này đóng cửa, hoàn trả tiền phí tuyển dụng đã thu của người lao động đồng thời xử lý theo các quy định của pháp luật.

Ông Lực cũng cho biết, những trung tâm không phép thường không có biển hiệu nhưng có nhiều tấm bảng tuyển dụng để “hút” người lao động.

Người lao động có nhu cầu việc làm có thể tìm đến 30 đơn vị có chức năng tuyển dụng việc làm do Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cấp phép; truy cập các trang web như vieclamhanoi.net… hoặc điện thoại đến số 10801088 nhánh 3, nhánh 5 để được tư vấn việc làm. Khi đến các trung tâm có dấu hiệu lừa đảo, người lao động nên đến Công an phường sở tại để trình báo từ đó ngăn ngừa các hành vi lừa đảo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *