(PL&XH) – Vừa qua, báo PL&XH đã đăng bài viết “Những dòng nhật ký đẫm nước mắt”, về cái chết thương tâm của chị Lý Thị Lưu (SN 1969, trú tại xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) khi đi lao động giúp việc gia đình ở Ả rập – Xê út.
Con gái đầu của chị Lưu là cháu Nguyễn Thị Phượng (SN 1991) đã ra Hà Nội, tìm đến các cơ quan chức năng kêu cứu, đề nghị giúp đỡ và làm rõ cái chết của mẹ em.
Theo hợp đồng giữa chị Lưu và Cty CP Xây dựng và cung ứng lao động quốc tế Nibelc (Cty Nibelc) có trụ sở tại thị trấn Gia Viễn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, thì chị Lưu được tuyển đi XKLĐ với công việc giúp việc gia đình trong thời hạn 2 năm. Ngày 28-12-2010, chị Lưu được Cty Nibelc đưa sang Ả rập. Thế nhưng, mới đi được 2 ngày, chị đã gọi điện về Cty Nibelc và gia đình, cho biết công việc quá nặng nhọc (mỗi ngày phải làm việc từ 14 đến 16 giờ, nhưng lại chỉ được ăn một ổ bánh mì), nên muốn đổi công việc khác nhưng không được Cty Nibelc chấp thuận.
Trong những dòng nhật ký để lại, chị Lưu kể cuộc sống rất khổ cực như bị sốt rét mà chủ nhà vẫn bắt làm việc, mệt đến lả người thì bị hắt nước vào mặt cho tỉnh để làm tiếp… và tuần nào chị Lưu cũng gọi điện về cho gia đình, nói bằng mọi giá phải yêu cầu Cty Nibelc đưa chị về nước, dù có phải bán nhà để bồi thường hợp đồng. Ngày 27-1-2011 gia đình chị Lưu đã nộp đủ số tiền 42 triệu đồng theo yêu cầu của Cty Nibelc để đưa chị về nước và Cty này hứa chậm nhất là 12-2-2011 sẽ đưa chị Lưu về nước. Sau đó, ngày 23-3, Phó Giám đốc Cty Nibelc là ông Hà Văn Tài thông báo cho gia đình chị Lưu chuẩn bị đón chị ở sân bay vào 18 giờ ngày 25-3, nhưng đúng đến ngày 25-3, ông Tài lại gọi điện báo là chị Lưu đã tử vong, do tự tử. Và gần bốn tháng sau (ngày 15-7), thi hài chị Lưu mới được chuyển về Việt Nam.
Phóng viên báo PL&XH đã liên hệ với Cục quản lý lao động ngoài nước, nêu những vấn đề mà gia đình nạn nhân nghi vấn như: Có đúng chị Lưu mất do tự tử? Việc giải quyết chế độ bảo hiểm cho nạn nhân như thế nào? Đơn vị đưa người lao động đi có trách nhiệm trợ cấp cho con út chị Lưu là cháu Nguyễn Trung Kiên (8 tuổi) đến khi cháu 18 tuổi?
Cùng với sự lên tiếng của báo PL&XH, Trung tâm tư vấn cộng đồng (Viện nghiên cứu và phát triển, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) và Cty luật TNHH Hoàng Giao (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng vào cuộc, giúp đỡ, hỗ trợ pháp lý hoàn toàn miễn phí cho cháu Phượng và gia đình.
Đúng vào thời điểm này, ban lãnh đạo mới của Cty Nibelc vừa có sự thay đổi nhân sự, ông Phan Phương Nguyên – Chủ tịch HĐQT mới nhậm chức nhận thức rõ sự việc đã thiện chí hợp tác. Kết quả, ngày 21-12, đại diện gia đình chị Lưu, Trung tâm tư vấn cộng đồng, Cty luật Hoàng Giao và Cty Nibelc đã có buổi thương lượng. Theo đại diện gia đình chị Lưu, cái chết của chị Lưu có phần do sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của Cty Nibelc khi không nhanh chóng làm thủ tục đưa chị về nước dù gia đình đã nộp đủ tiền. Đồng thời, yêu cầu Cty này bồi thường, hỗ trợ các khoản tiền lương, tiền bảo hiểm, chu cấp cho cháu Nguyễn Trung Kiên…
Ông Phan Phương Nguyên cho biết, Cty Nibelc đã nhận được chỉ đạo của Cục quản lý lao động ngoài nước, đã tiến hành xử lý hành chính với những người có trách nhiệm trực tiếp liên quan tới vụ việc.
Cuối buổi làm việc, các bên đã ký văn bản thỏa thuận, gia đình chị Lưu được chi trả thêm 100 triệu đồng (bao gồm khoản nợ ngân hàng (tiền vay để làm thủ tục xuất cảnh) là 11,4 triệu đồng, tiền lương 3 tháng làm việc là 12 triệu đồng, tiền chu cấp cho cháu Kiên 59,7 triệu đồng (1/2 tháng lương tối thiểu cho đến khi cháu tròn 18 tuổi) và tiền hỗ trợ khác là 16,8 triệu đồng), và không có bất kỳ yêu cầu bồi hoàn hay hỗ trợ nào khác, đồng thời thanh lý hợp đồng đi XKLĐ của chị Lưu với Cty Nibelc.