Tình trạng doanh nghiệp để cán bộ làm “cò” xuất khẩu lao động hoặc cho các cá nhân, tổ chức bên ngoài mượn giấy phép để tuyển chọn lao động xảy ra khá phổ biến.
“Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp phải trực tiếp tuyển chọn lao động, quản lý chặt chẽ các chi nhánh của mình; nhưng thời gian qua vẫn có một số DN vi phạm, buông lỏng quản lý để cán bộ, chi nhánh của mình tuyển dụng lao động không đúng quy định. Việc kiểm tra, phát hiện vi phạm là rất khó…”. Trao đổi với phóng viên về hoạt động xuất khẩu lao động ông Nguyễn Thanh Hòa- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH – thừa nhận như vậy.
Cán bộ làm “cò”
Trước Tết Nguyên đán, theo mẩu rao vặt trên trang vatgia.com, phóng viên liên hệ đăng ký sang Qatar với nhân viên tuyển dụng của một doanh nghiệp tại Hà Nội. Người này cho biết doanh nghiệp vừa tuyển đủ lao động, nhưng ngay sau đó lại chủ động đề nghị cung cấp thông tin để giúp làm visa sang Qatar thông qua hợp đồng của một doanh nghiệp khác. Qua tìm hiểu, khi nhận lao động thông qua giới thiệu của dạng “cò” này, doanh nghiệp có đơn hàng đưa lao động sang Qatar phải chi hoa hồng bình quân 2 triệu đồng/người.
Trong thời gian Báo Người Lao Động hợp tác với Công ty CP thương mại Châu Hưng triển khai chương trình tạo nguồn lao động xuất khẩu cho Malaysia, chúng tôi thường xuyên nhận được đề nghị hợp tác tuyển lao động từ một số cán bộ của những doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín. Thậm chí, dù đã ngừng chương trình gần 2 năm, nhưng gần đây vẫn có một vài cá nhân liên hệ cung ứng lao động cho chương trình và đặt thẳng chuyện ăn chia hoa hồng: Cứ giới thiệu được 1 lao động sang Malaysia, chương trình phải chi hoa hồng 1 – 2 triệu đồng. Giám đốc một Doanh nghiệp xuất khẩu lao động có trụ sở tại Hà Nội nhìn nhận, việc cán bộ của doanh nghiệp này đi làm “cò” cho doanh nghiệp khác không phải là cá biệt.
Nhờ hưởng lợi từ ăn chia hoa hồng giới thiệu, nhiều cán bộ làm “cò” bất chấp hậu quả, thậm chí dấn sâu vào các đường dây lừa đảo, gây rủi ro, thiệt hại cho người lao động. Mới đây nhất là vụ anh Nguyễn Quang Hạnh (Nghi Lộc, Nghệ An)- đăng ký đi làm việc ở Angola qua Chi nhánh Công ty Cosevco Nghệ An- bị sát hại dã man vào ngày 21.1. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định cái chết của anh Hạnh có liên quan đến việc ông Phạm Viết Văn- giám đốc chi nhánh công ty này- lợi dụng chức năng để tuyển dụng anh Hạnh cho một đường dây đưa người sang Angola trái phép.
Tiếp tay cho “cò”
Theo quy định, doanh nghiệp phải trực tiếp tuyển chọn lao động nhưng thực tế, đa phần các doanh nghiệp không thể tự mình trực tiếp tuyển lao động mà họ tìm đến các cá nhân, tổ chức bên ngoài. Cục Quản lý lao động ngoài nước trong năm qua đã phát hiện khá nhiều vi phạm kiểu này.
Điển hình như Công ty TNHH MTV mỹ thuật Trung ương – Cefinar không trực tiếp tuyển chọn lao động để đưa đi làm việc ở Đài Loan, mà giao việc này cho các cá nhân, tổ chức bên ngoài. Thậm chí, Công ty CP cung ứng lao động và thương mại Hải Phòng không trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà để cá nhân bên ngoài tuyển chọn lao động sang một thị trường mới ở Nam Mỹ, gây thiệt hại cho gần 100 lao động…
Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, một trong những thị trường thời gian qua để xảy ra tình trạng doanh nghiệp bắt tay với “cò” nhiều nhất là Đài Loan. Hiện có 67 doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam được Đài Loan cấp phép cung ứng lao động. Số doanh nghiệp này đã thành lập trên 240 chi nhánh, cơ sở đào tạo, văn phòng giao dịch để tuyển lao động. Đáng nói là phần đông doanh nghiệp cho các tổ chức, cá nhân Đài Loan mượn tư cách pháp nhân, thông qua các đầu mối nói trên tuyển chọn lao động trái quy định. Vì giao khoán toàn bộ nên nhiều doanh nghiệp không kiểm soát được hoạt động của họ, bao gồm cả công tác tuyển chọn, đào t ạo, quản lý lao động ở nước ngoài và việc thu phí trước khi đi. Hậu quả của việc tiếp tay cho “cò” này là mức phí của lao động Việt Nam sang Đài Loan lên đến 5.600 – 6.000USD/người, cao hơn chi phí sang các nước khác rất nhiều