Xuất khẩu lao động nhiều năm qua đã tạo công ăn việc làm, thu nhập cao cho hàng trăm nghìn lao động, giúp thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê nghèo.Dọc các tỉnh miền Trung và khu vực phía Bắc, nhiều vùng nông thôn nghèo thay da đổi thịt nhờ có con em đi Xuất khẩu lao động.
Thôn Đài, phố Hàn
Đông Tân là xã có số người đi Xuất khẩu lao động mạnh nhất của huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Ngay đầu xã là thôn Vĩnh Ninh, được người dân gọi là “thôn Đài Loan”. Từ đầu thôn đến cuối thôn là hai dãy phố với những ngôi nhà hai, ba tầng khang trang. Đường thôn, ngõ xóm đều được trải nhựa, bêtông hóa gần kín. Nhà hàng, quán xá mọc khắp nơi.
Một cán bộ xã Đông Tân cho biết sự khá giả này là nhờ Xuất khẩu lao động. Năm 2000, khi làn sóng Xuất khẩu lao động thổi tới Đông Hưng, lác đác có vài người trong xã tìm đường sang Đài Loan giúp việc gia đình. Đến nay cả xã có gần 500 lượt người ra nước ngoài làm việc.
Anh Phạm Văn Hùng – chủ một hiệu tạp hóa, bia rượu đầu thôn – cho biết trước đây Vĩnh Ninh là thôn thuần nông, mùa vụ khi được khi mất. Vợ anh cũng đi Xuất khẩu lao động. Trước đây hai vợ chồng làm ruộng. “Vợ tôi đi từ năm 2001, đến nay vẫn còn làm việc tại Đài Loan. Những năm đầu thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng; đến năm 2006 trở đi thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng. Nhờ đồng tiền vợ gửi về mà tôi mở đại lý bia, rượu và tạp hóa như bây giờ” – anh Hùng tâm sự.
Theo thống kê của UBND xã Đông Tân, hằng năm người lao động ở nước ngoài gửi về 12-14 tỉ đồng.
Cũng ở phía Bắc, thị trấn Neo ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang có trục đường chính chỉ gần 1km ken đặc những ngôi nhà lầu. Anh Phạm Chí Dũng, nhân viên phòng lao động-thương binh và xã hội huyện, cho biết người dân ở thị trấn Neo gọi trục đường này là phố đại gia hay “phố Hàn Quốc”.
Vợ chồng anh Lưu Văn Hà ở đầu phố có một tiệm vàng bạc nhờ nguồn tiền hai vợ chồng tích góp sau sáu năm làm việc ở Hàn Quốc. “Hai vợ chồng tiết kiệm được từ 2.000-3.000 USD/tháng. Nhờ đó mà sau khi về nước mua được đất, xây nhà và kinh doanh vàng bạc ở thị trấn này”. Theo anh Lưu Văn Hà, nguồn tiền từ nước ngoài chuyển về địa phương thông qua đường không chính thức khoảng 2,5-3 triệu USD/năm.
Ở các tỉnh thành khác cũng có “thôn Đài Loan”, “phố Hàn Quốc” như ở xã Phượng Kỳ (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), “làng Việt kiều Đức” ở xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)… Từ nguồn tiền có được từ mồ hôi của mình, nhiều người đã gầy dựng cơ nghiệp, mở cơ sở làm ăn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác.
Những người thành đạt
Ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An có một quán cà phê lớn và một khách sạn tên Lily. Đây là tên của chị Nguyễn Thu Huyền khi sống và làm việc tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), người điều hành Công ty CP Phát triển nhân lực và đào tạo Xuất khẩu lao động quốc tế ở thành phố Dubai.
Chạy xe hơi thành thục trên đường phố sầm uất Dubai, chị cho biết năm 1992 được Công ty Sona (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) đưa qua Dubai làm thợ may trong xưởng. Hết ba năm làm việc, chị gom góp tiền mở công ty môi giới lao động vì nhận thấy tiềm năng của dịch vụ này.
Những năm tiếp đó, thị trường này hút lao động VN nên công ty làm ăn rất thuận lợi. Không chỉ tuyển lao động VN, công ty của chị còn tuyển lao động tại nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Malaysia… Năm 2006 chị về nước hẳn, giao quyền quản lý công ty cho người khác và thành lập Trường đào tạo Xuất khẩu lao động ở Hà Nội, kinh doanh thêm về cà phê, khách sạn.
Đinh Quang Nhật (26 tuổi, Hải Phòng), tu nghiệp sinh trở về từ Nhật Bản. Anh đang là giám đốc một công ty xây dựng chỉ với… hai thành viên nhưng hằng năm lãi ròng gần nửa tỉ đồng.
Nhật trước đó là sinh viên Trường cao đẳng nghề Vinashin, năm 2007 Tổ chức IM Japan về trường tuyển sinh viên đi Nhật Bản tu nghiệp và Nhật trúng tuyển. Trong ba năm làm việc, Nhật tằn tiện tích góp được gần 700 triệu đồng. Về nước, Nhật vay thêm ngân hàng mua hai máy xúc, máy ủi, tuyển thêm một nhân viên lái xe thành lập công ty xây dựng chỉ với hai người, Nhật vừa là giám đốc vừa là… lái chính. “Mấy năm trước ở quê có nhiều công trình xây dựng nên công ty làm ăn có lãi. Tôi tính mở rộng nhưng năm rồi kinh tế khó khăn, nhiều công trình ngưng trệ nên kế hoạch gặp trục trặc. Có thể chờ thêm thời gian nữa mới đầu tư trở lại” – Nhật nói.
Ngoài những người mở công ty kinh doanh như chị Nguyễn Thu Hiền, anh Đinh Quang Nhật, nhiều lao động chọn cho mình con đường khác ngoài kinh doanh. Như Lê Văn Tiền (quê Bến Tre), tu nghiệp ba năm ở Nhật, nay làm giám đốc Nhà máy Ikeda Watanabe của Nhật tại Bình Dương; là Đỗ Phương Huy (quê Cần Đước) trở về từ Nhật làm giám đốc nhà máy Viptop của Nhật ở Long An; và hàng trăm lao động khác trở về từ Nhật, Hàn Quốc… đã và đang giữ các vị trí quản lý cho các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc tại VN.
2 tỉ USD/năm
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nay có khoảng 500.000 lao động VN đang làm việc ở nước ngoài, tập trung nhiều tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… Mỗi năm họ gửi về nước gần 2 tỉ USD.
Để đẩy mạnh hiệu quả Xuất khẩu lao động, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt dự án “Hỗ trợ Xuất khẩu lao động giai đoạn 2012-2015” với tổng chi phí hơn 1.000 tỉ đồng, mục tiêu là mỗi năm đưa 80.000-120.000 lao động ra nước ngoài làm việc; thành lập nhiều trung tâm đào tạo nhằm nâng cao chất lượng lao động cung cấp cho các thị trường bậc cao; phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 60% lao động được đào tạo nghề và 100% lao động được bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài.