Năm 2012, ngành xuất khẩu lao động nước ta không đạt chỉ tiêu Chính phủ đề ra. Dự báo năm 2013 ngành sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do thị trường tốt “đóng băng”, khu vực xuất khẩu lao động giản đơn lại gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, kết thúc năm 2012, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm đạt 80.320 người. Trong đó, thị trường Đài Loan hơn 30.500, Hàn Quốc hơn 9.200, Nhật Bản gần 8.800, Lào gần 6.200, Malaysia gần 9.300, Campuchia hơn 5.200, Macau 2.300.
Như vậy, năm 2012 ngành xuất khẩu lao động đã không thể cán đích xuất khẩu 90 nghìn lao động do Chính phủ đề ra. Trong khi đó, mục tiêu của Việt Nam năm 2013 đến 2015 là mỗi năm sẽ đưa 100.000 lao động đi làm việc ở ngoài nước.
Theo ông Lê Văn Thanh, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu của ngành. Tuy nhiên, theo nhận định từ chuyên gia, trong năm 2013 tình hình xuất khẩu lao động sẽ còn gặp nhiều khó khăn do những thị trường có sức tiếp nhận tốt như Hàn Quốc đang “đóng băng” vì nạn bỏ trốn của lao động Việt Nam. Cùng đó, ở những thị trường truyền thống như Đài Loan, Malaysia, lao động Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước Trung Quốc, Philippin…
Không thể phủ nhận thực tế, khi gặp phải cạnh tranh, lao động Việt Nam đã bộc lộ rõ những yếu điểm như: tính kỷ luật, trình độ ngoại ngữ, sức khỏe…
Trước những khó khăn và nguy cơ mất thị trường,
Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội (LĐ- TB-XH) yêu cầu ngành đẩy mạnh triển khai chấn chỉnh các thị trường trọng điểm: Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Nga… Đặc biệt, với thị trường Hàn Quốc, Bộ yêu cầu các địa phương ngoài biện pháp tuyên truyền vận động sẽ tiến tới có chế tài mạnh hơn để giảm số lượng lao động bất hợp pháp. Đối với thị trường Đài Loan, Bộ yêu cầu giảm phí, giảm gánh nặng cho người lao động. Tại thị trường Nga, Bộ sẽ cùng phía bạn chấn chỉnh doanh nghiệp, tiến tới ký kết được hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam – Nga. Cũng trong năm nay, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được Bộ LĐ-TB-XH đẩy mạnh, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và ngăn ngừa lừa đảo xuất khẩu lao động.
Cùng những khó khăn thách thức phải đối mặt, bức tranh xuất khẩu lao động cũng đã xuất hiện những điểm sáng. Như thị trường Nhật Bản đang mở rộng cửa đón lao động tay nghề cao của Việt Nam sang làm việc.
Ông Thanh thông tin, phía Nhật Bản thông báo năm 2013 – 2014 sẽ tiếp nhận 180 ứng viên và hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo tiếng Nhật để đưa sang Nhật Bản vào mùa xuân 2015. Hiện tại, Nhật Bản đang thiếu hụt thường xuyên khoảng 50.000 điều dưỡng viên. Trong tình hình này, phía Nhật Bản kỳ vọng rất nhiều vào các ứng viên hộ lý và điều dưỡng viên Việt Nam.
Ngoài Nhật Bản, CHLB Đức cũng có nhu cầu tuyển điều dưỡng viên Việt Nam trong năm nay.
Cụ thể năm nay Cục sẽ tuyển dụng thí điểm và từng bước đưa người sang CHLB Đức làm việc. Các quốc gia Ả Rập Xê út và Phần Lan cũng có ý hợp tác, tuyển điều dưỡng viên có trình độ CĐ, ĐH của Việt Nam.
Cũng theo ông Thanh, người học ngành hộ lý và điều dưỡng viên đang có rất nhiều cơ hội làm việc tốt tại các quốc gia phát triển do dân số các quốc gia này đang trong thời kỳ tốc độ già hóa dân số nhanh. Nhu cầu chăm sóc người già ngày càng tăng lên, trong khi nhân viên chăm sóc giảm đi. Trong khi, đó số lượng sinh viên học CĐ, ĐH chuyên ngành điều dưỡng viên, hộ lý ở Việt Nam khá lớn dẫn đến tình trạng thừa nguồn cung. Nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm tại các bệnh viện hoặc không làm đúng chuyên môn, không có mức lương thích hợp.
Dù vậy, chuyên gia lao động cũng đưa ra cảnh báo, dù ở lĩnh vực thị trường mới đang có nhu cầu lớn nhưng nếu lao động Việt Nam không thể hiện và giữ vững được thế mạnh và củng cố niềm tin của chủ lao động cũng rất dễ bị lao động quốc gia khác chiếm ưu thế, giành mất cơ hội.