Khóc cười xuất khẩu lao động: Ngập trong nợ nần

Nhiều hộ dân ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An đang rơi vào cảnh cùng quẫn vì bị lừa sạch tiền khi làm thủ tục đi xuất khẩu lao động hoặc phải trở về nước trước thời hạn với đôi bàn tay trắng

Là huyện miền núi, rất khó khăn nên Tương Dương được tỉnh Nghệ An quan tâm và có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, trong đó có chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg. Ban đầu, nhiều người háo hức vay tiền ngân hàng để nộp phí đào tạo và nhiều khoản khác để được đi XKLĐ, chủ yếu là sang Malaysia. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều người đã phải trở về, mang theo cả đống nợ.

Đi hăng hái, về xụi lơ!

Trong 3 năm thực hiện chương trình XKLĐ, huyện Tương Dương đã đưa được trên 70 lao động ra nước ngoài làm việc. Trong số này, nhiều người phải trở về trước thời hạn vì các lý do khác nhau. Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, nói: “Lương thấp, điều kiện làm việc không bảo đảm, lao động miền núi sống tự do quen rồi, nay phải tuân theo giờ giấc quy củ nên nhiều người không chịu được, đã bỏ về. Ngoài ra, nhiều lao động bị trục xuất vì sức khỏe không bảo đảm. Hầu hết những người đi XKLĐ đều thuộc diện hộ nghèo. Do đó, để được đi, ai cũng phải vay ngân hàng 20 triệu đồng nộp cho công ty XKLĐ. Đi XKLĐ là nhằm thoát nghèo nhưng không thoát được, giờ về nước ôm cục nợ nên đã nghèo lại càng nghèo thêm”.

Nghèo đói vẫn bủa vây người dân miền núi tỉnh Nghệ An

Giấc mộng thoát nghèo nhờ đi XKLĐ bất thành, nhiều người dân miền núi quay vào các bãi vàng kiếm sống

Ngoài huyện Tương Dương, huyện miền núi Quế Phong có số người đi XKLĐ theo Quyết định 71 nhiều nhất tại tỉnh Nghệ An với hơn 200 người sang Malaysia. Rất nhiều trường hợp trong số đó khi đi hăng hái, lúc về xụi lơ! Nguyên nhân trở về có thể do bị trục xuất hoặc vì chịu không nổi điều kiện lao động ở nước sở tại.

Chị Lang Thị Hòe, ngụ xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, than thở: “Năm 2009, tôi vay tiền ngân hàng nộp cho Công ty Việt Hà (trú đóng tại tỉnh Hà Tĩnh) để được sang Malaysia làm việc. Qua đến nơi, chủ lao động bắt làm việc cả ngày, lương thấp, nếu không làm thì họ dọa sẽ báo cảnh sát đến bắt. Sợ quá, tôi bỏ trốn rồi mua vé máy bay về nước. Tưởng đi làm sẽ có tiền, nào ngờ nay lại thành con nợ của ngân hàng”. Ông Nguyễn Đậu Long, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Quế Phong, xác nhận thực tế nói trên là có thật, cơ quan chức năng địa phương cũng chưa biết xử lý ra sao…

Kêu trời vì bị lừa tiền

Hiện ở tỉnh Nghệ An, nhiều công ty cho người về tận các bản làng miền núi tổ chức tuyển lao động, vay vốn để đưa người đi XKLĐ theo Quyết định 71. Nhiều công ty đã lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân địa phương để cài họ vào tròng, sau khi thu đủ tiền liền cao chạy xa bay, mặc lao động nghèo rơi vào đói ăn thiếu mặc. Điển hình là vụ Công ty CP Nhân lực quốc tế Việt VILACO JSC (Thanh Hóa) về huyện Tương Dương tuyển người đi Malaysia hồi tháng 4-2012. Đến tháng 6-2012, công ty này đã thu của anh Lương Văn Duy, ngụ bản Văng Môn và anh Lô Văn Tuấn, ngụ bản Sốp Cháo, cùng xã Yên Hòa; anh Xèo Văn Hợi, ngụ bản Hồi Cụt, xã Yên Na; anh Lữ Đức Mười, ngụ bản Đàng, xã Nga My, mỗi người 20 triệu đồng. Nhận đủ tiền, người của công ty này hô biến. Bản làng chấn động vì tin dữ, các nạn nhân chỉ biết kêu trời vì bị lừa…

Anh Lương Văn Duy bức xúc: “Công ty nhận tiền của mình rồi nhưng chẳng chịu đưa mình đi làm. Lo lắng quá, mình nhiều lần gọi điện thoại cho họ nhưng không được. Mình có lên xã, huyện hỏi thì họ bảo cứ chờ đã. Tiền công ty lấy mất rồi, giờ đến cái ăn hằng ngày cũng không có, biết lấy gì trả cho ngân hàng”.

Ông Kha Đình Phê, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Quế Phong, cho biết: “Họ nhận tiền của người dân rồi bỏ đi luôn. Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với Công ty CP Nhân lực quốc tế Việt VILACO JSC (Thanh Hóa) nhưng không được. Ngày 13-12, huyện đã có công văn báo cáo vụ việc cho Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An biết để có hướng xử lý”.

Trước đó, do tin lời một số người tự giới thiệu là nhân viên của Công ty Việt Hà và Công ty Khách sạn Du lịch Thái Bình mà bà Vi Thị Chai, bà Moong Thị Dung, ông Hà Văn Xuyến, cùng trú tại xã Nậm Nhoóng; chị Lý Thị Hồng, anh Vi Văn Sâm, chị Lang Thị Hiệu, cùng ngụ xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong, đã vay tiền từ Ngân hàng Chính sách huyện rồi nộp cho các công ty trên từ 20 đến 25 triệu đồng/người để được đưa sang Malaysia làm việc. Gom tiền xong, đám “nhân viên” nói trên một đi không trở lại, người dân khóc ròng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, còn khá nhiều trường hợp bị lừa như vậy ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An. Hầu hết các nạn nhân không thể đòi lại được quyền lợi.

 

Rất cần sự hỗ trợ của Bộ LĐ-TB-XH

Trước thực trạng nhiều người dân miền núi bị lừa tiền khi làm thủ tục đi XKLĐ, một lãnh đạo ngành LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An cho rằng cái khó hiện nay là làm sao để xác định được đối tác cần tuyển lao động có thực sự làm ăn bảo đảm, uy tín, từ đó mới có thể an tâm hợp tác, đưa lao động của mình đi. Muốn làm được điều này, rất cần Bộ LĐ-TB-XH hỗ trợ, yêu cầu những công ty môi giới XKLĐ phải thẩm định rõ đối tác ở nước ngoài.

Hải Vũ (Báo Lao động)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *