Xuất khẩu lao động ở huyện nghèo: trở ngại trong triển khai

Tâm lý ngại đi học định hướng, ngại xa nhà làm ăn, cộng với việc nhiều lao động sang nước ngoài làm việc do thiếu ý thức tuân thủ quy định của nước sở tại phải về nước sớm, thu nhập kém đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chủ trương xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo. Đây là một thực tế đang diễn ra tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Nô nức xin đi, sớm “đòi” về

Là một trong 2 huyện nghèo của cả nước, huyện Quan Hóa đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, trong đó xuất khẩu lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ – TTg được xem là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Quan Hóa, triển khai Quyết định 71/2009/QĐ – TTg về Phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020, huyện đã lập kế hoạch đưa lao động có nhu cầu sang Malaixia, Libi, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… làm việc. Nếu thành công, nhiều gia đình sẽ thoát nghèo và kinh tế của địa phương cũng sẽ được cải thiện.
Chủ trương xuất khẩu lao động nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương. Hàng trăm lao động hồ hởi đăng ký đi xuất khẩu lao động. Các xã cũng đề ra chỉ tiêu mỗi năm đưa 10 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Có thời điểm, đi đến đâu cũng nghe thấy thanh niên hỏi nhau: “Đi nước nào, bao giờ đi”.
Theo ông Nguyễn Văn Do, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Quan Hóa, khi nghe nói về những lợi ích từ việc đi làm ở nước ngoài, người dân rất hào hứng. Nhưng khi thông báo cho người lao động đi học định hướng thì họ đều thoái thác, dù đã được giải thích về các chính sách ưu đãi.
Mặt khác, cũng theo lãnh đạo phòng LĐ – TB&XH, số lao động ở địa phương đi xuất khẩu lao động chủ yếu là lao động nghèo, lao động thuộc dân tộc ít người nên trình độ còn hạn chế. Họ không quen với chuyện làm ăn xa nhà và không muốn xa gia đình nên nhiều trường hợp sang đến nơi một thời gian lại bỏ về. Có nhiều trường hợp người lao động đã tập trung học định hướng trong nước, nhưng gần đến ngày lên đường thì lại cương quyết không đi với lý do… nhớ vợ.

 3 năm, chỉ có 49 người đi

Sau 3 năm triển khai, cơ quan chức năng mới vỡ lẽ rằng chính người lao động cũng dần quay lưng với chuyện xuất khẩu lao động. Theo thống kê của phòng LĐTB&XH huyện Quan Hóa, tính đến hết tháng 6/2012, cả huyện chỉ có 49 người đi xuất khẩu lao động, trong đó chủ yếu là thị trường Malaixia.
Từ năm 2009 đến nay, kinh tế thế giới có nhiều biến động. Chính người lao động bản địa cũng thất nghiệp, khiến người lao động ở nước ngoài thu nhập không ổn định. Thậm chí, nhiều người muốn về nước nhưng không đủ tiền mua vé máy bay buộc gia đình phải vay mượn gửi sang mới về được. Thực tế này cũng tác động đến tâm lý người lao động.
Sau khi đi xuất khẩu lao động trở về trước thời hạn, chị V.T.N, bản Hướng (Quan Hóa) xác định sẽ không bao giờ cho chồng, con đi nữa. Chị kể, khi nghe cán bộ tư vấn, lại thấy thu nhập đến hàng chục triệu đồng/tháng, bằng thu nhập của cả gia đình trong một năm nên chị đăng ký đi xuất khẩu lao động. Sang Malaixia làm được một thời gian, không quen với tác phong công nghiệp cộng thêm nỗi nhớ nhà chị đã xin về nước trước thời hạn.
Đến nay, gia đình chị vẫn nợ gần 20 triệu đồng, đó là số tiền gia đình đã vay của ngân hàng để lo cho chị đi xuất khẩu lao động. Bây giờ, thu nhập của gia đình chỉ trông vào vài nương sắn, hơn 1 ha luồng trong khi còn phải nuôi 3 con ăn học nên số nợ đó chưa biết bao giờ chị mới trả hết. “Vợ chồng tôi chưa biết làm gì để lấy tiền trả nợ nữa”, chị N. nghẹn ngào.

Cũng như chị N, gia đình anh H.V.L (bản Khang) cũng chẳng khá hơn gương mặt thất thần sau chuyến xuất ngoại, anh L kể lại: Khi đi xuất khẩu lao động, cứ tưởng sẽ có tiền để trang trải nợ nần cũng như cho 3 đứa con ăn học, ngờ đâu lại mang thêm khoản nợ gần 30 triệu đồng. Khi sang Malaixia làm việc, được mấy tháng anh đã bỏ về. Trước đó, vì quen nhậu nhẹt bê tha như ở nhà lại không quen với tác phong làm việc công nghiệp nên thường xuyên bị quản đốc nhắc nhở.
Các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước ở Đông Âu dù có nhu cầu lớn nhưng lại yêu cầu rất cao và chi phí xuất cảnh cũng lớn khiến lao động ở miền núi không thể tiếp cận được. Hơn nữa, trước khi Đề án xuất khẩu lao động theo Quyết định 71 ra đời, cơ quan chức năng có phần buông lỏng công tác quản lý đối với các công ty lấy danh nghĩa đi tuyển lao động nhưng thực chất là các công ty ma chuyên lừa đảo khiến người lao động phải chịu cảnh “tiền mất, tật mang”. Thêm vào đó công tác tuyên truyền chưa sâu sát và sinh động… nên đã xảy ra tình trạng người dân các huyện nghèo không mặn mà với việc xuất khẩu lao động.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *