Trong khi số vụ buôn bán người thông qua xuất khẩu lao động ngày càng tăng thì hệ thống pháp luật lại chưa hoàn chỉnh khiến việc điều tra, khởi tố… gặp nhiều khó khăn.
Đây là vấn đề được nêu lên trong Hội thảo Di cư lao động an toàn kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại VN, diễn ra ngày 4.12 ở Hà Nội.
Ông Đào Công Hải – Cục phó Cục Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, mỗi năm xuất khẩu lao động mang lại khoảng 2 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 8 vạn lao động. Tuy nhiên, đây là những lao động đi qua các công ty XKLĐ có đăng ký, còn, rất nhiều người đi xuất khẩu lao động tự do, do người nhà hoặc các văn phòng – chi nhánh của các công ty xuất khẩu lao động dắt mối. Vì thiếu thông tin nên ngay cả khi bị buôn bán, họ cũng không biết.
Thừa nhận thực tế này, ông Xuân Ý – Phó trưởng phòng, Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và ma tuý, Bộ Công an cho biết: xuất khẩu lao động là một trong ba lĩnh vực (cùng với nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài) thường xảy ra tình trạng lừa đảo và buôn bán người nhiều nhất.
“Thực tế quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn, vì như bản thân những nạn nhân của buôn bán người thường không biết người mình bị lừa. Có khi, đến lúc sang nước bạn bị bóc lột, bị buôn bán qua tay buộc phải hành nghề mại dâm mới hay mình là nạn nhân của tình trạng buôn bán người, và cả chục năm mới quay về, đến cơ quan chức năng để tố cáo. Trong khi đó đối tượng tội phạm này lại tinh vi, nhiều đối tượng vi phạm núp dưới danh nghĩa của các đơn vị hợp tác quốc tế đưa lao động xuất khẩu lao động…” – ông Ý nói.
Điều tra từ phía Bộ Công an đã phát hiện nhiều đường dây môi giới ở các tỉnh phía Bắc đưa lao động là thanh niên, người dân tộc sang Trung Quốc đi làm thuê. Nhiều người làm tại các lò gạch, khai thác khoáng sản, nông nghiệp… công việc rất vất vả nhưng không được trả công. Có trường hợp được trả công nhưng trước khi về bị cướp, trấn lột hết tiền.
Ông Vũ Lê Hà – Trưởng phòng Bảo vệ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao quan ngại: “Hiện nay Luật Phòng chống buôn bán người mới chỉ đề cập tới việc xử lý đối với cá nhân có hành vi buôn bán người mà chưa đề cập tới các tổ chức, đơn vị tham gia đưa lao động đi xuất khẩu lao động. Trong khi đó, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức đưa xuất khẩu lao động nhằm mục đích buôn bán người”.
Chính vì vậy, ông Hà cũng kiến nghị ngoài việc nhanh chóng ra nghị định, thông tư hướng dẫn về việc hỗ trợ đối với nạn nhân của buôn bán người, phía Bộ Công an cần làm bổ sung làm rõ việc có hay không việc các tổ chức lợi dụng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện hành vi buôn bán người. Từ đó, bổ sung chế tài xử lý đối với vấn đề này.