Từ ngày mồng 3 đến 12/12, Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) và Trung tâm xuất khẩu lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ tổ chức thi tiếng Hàn Quốc cho lao động về nước đúng thời hạn có nhu cầu nguyện vọng trở lại Hàn Quốc làm việc. Kỳ thi này sẽ mang đến cơ hội tái xuất khẩu lao động Hàn Quốc cho lao động Việt Nam.
Ngày 30/11, trao đổi với PV Báo CAND, ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước cho biết, hiện kỳ thi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động làm bài thi đạt kết quả cao. Hiện đã có 892 lao động Việt Nam được phía Hàn Quốc “duyệt” đạt tiêu chuẩn được kiểm tra.
PV: Xin ông cho biết, lao động sẽ phải thi những nội dung gì tại kỳ thi này?
Ông Phan Văn Minh: Đây là những lao động đã từng làm việc tại Hàn Quốc nên vốn từ vựng họ có rồi, họ sẽ tập trung vào kỹ năng sử dụng máy tính. Kỳ thi sẽ bắt đầu từ ngày 3 đến 12/12, mỗi ngày có 3 ca thi, mỗi ca thi có 40 người.
Điều cần lưu ý với thí sinh là phải tập trung ôn luyện thật tốt vốn từ vựng và kiến thức về ngữ pháp, kỹ năng sử dụng máy tính để vào phòng thi làm bài thi trên máy tính. Có hai phần thi: nghe hiểu và đọc hiểu, trong vòng 70 phút. Dự kiến, phía Hàn Quốc sẽ thông báo kết quả vào ngày 27/12/2012.
Những người đạt yêu cầu sẽ được làm hồ sơ đăng ký dự tuyển, OWC sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, chúng tôi sẽ thông báo cho người lao động đạt yêu cầu biết và gửi hồ sơ qua đường bưu điện để người lao động hoàn thiện hồ sơ gửi lại cho OWC, qua đường bưu điện người lao động không phải mất thời gian đi lại tốn kém.
Chúng tôi sẽ kiểm tra lại hồ sơ, những hồ sơ nào mà chưa hoàn thiện thì hướng dẫn người lao động hoàn thiện lại, rồi nhập thông tin cá nhân của người lao động vào máy tính, gửi sang cho các chủ sở hữu lao động Hàn Quốc lựa chọn
PV: Lao động đạt tiêu chuẩn bao giờ sẽ trở lại làm việc tại Hàn Quốc, thưa ông?
Ông Phan Văn Minh: Theo quy định thì sớm nhất trong thời gian ba tháng kể từ khi hồ sơ của họ được đưa lên mạng. Còn lao động trung thành thì sau một tháng có thể nhập cảnh Hàn Quốc – là những người trong suốt thời gian lao động ở Hàn Quốc không chuyển đổi nơi làm việc, chỉ làm cho một chủ duy nhất.
PV: Ông có cảnh báo gì về hiện tượng cò mồi, môi giới cho người lao động trước kỳ thi tiếng Hàn?
Ông Phan Văn Minh: Kỳ thi tiếng Hàn đầu tiên vào tháng 12/2011 đúng là có tình trạng như thế, hồ sơ của người lao động sau khi đưa lên mạng thì có một số đối tượng cò mồi và lừa gạt người lao động bằng chiêu, muốn được lựa chọn thì phải thông qua một đối tượng trung gian, mất tiền khá nhiều. Sau đó chúng tôi đã gửi thư trực tiếp tới từng người lao động, nói rõ những chiêu lừa đó, người lao động hãy cảnh giác, việc lựa chọn hoàn toàn do chủ lao động Hàn Quốc quyết định.
OWC là cơ quan trực tiếp làm thủ tục cho người lao động, ngay trong trung tâm chúng tôi thường xuyên quán triệt điều này, không thể có hiện tượng cán bộ tiếp tay cho cò mồi…
PV: Năm 2013, hạn ngạch phía Hàn Quốc cấp cho Việt Nam là bao nhiêu, thưa ông?
Ông Phan Văn Minh: Năm 2013 chưa có, nhưng tính đến thời điểm này Việt Nam đã đưa được hơn 7.300 lao động sang Hàn Quốc trong tổng số 57.000 lao động, kể cả lao động tái nhập cảnh ở 15 nước, thấp hơn năm
2011 một chút.
PV: Việc tuyển mới lao động Việt Nam sang Hàn Quốc đã có hy vọng gì chưa, thưa ông?
Ông Phan Văn Minh: Năm 2013, thỏa thuận chương trình đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc cấp phép việc làm có giá trị hai năm, sau đó cứ 2 năm một lần gia hạn, vì thỏa thuận gia hạn gần đây nhất là 29/8/2010, theo đó tháng 8/2012 là hết hạn hiệu lực, đáng lẽ là ký tiếp gia hạn nhưng vì lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp quá nhiều, ở mức cao, phía Hàn Quốc đang tạm dừng việc ký gia hạn thỏa thuận này để hai bên cùng phối hợp triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp.
Khi đã có tín hiệu giảm liên tục trong thời gian liên tục thì phía bạn mới tính đến chuyện ký tiếp gia hạn thì mới đưa lao động mới sang được. Theo phía thông báo của Hàn Quốc, hết quý II năm 2012, có 47% lao động hết hạn hợp đồng không về nước, tháng vừa rồi giảm được 2% của số lao động phải về nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thu Phương (thực hiện)