Hàn Quốc thông báo tạm ngừng tuyển lao động Việt Nam sang làm việc khiến hàng vạn lao động lo lắng. Vụ 14 lao động Việt Nam thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại một xưởng may tại Nga là thực trạng nhức nhối về tình trạng lao động bất hợp pháp.
Tại buổi phỏng vấn trong Chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tại CổngThông tin điện tử Chính phủ. Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền Bộ đã chính thức trả lời nhiều thắc mắc của rất nhiều người dân về sự việc Hàn Quốc tạm dừng tuyển lao động Việt Nam.
Dưới đây là nội dung buổi phỏng vấn Bộ trưởng liên quan đến vấn đề này:
Về vấn đề Hàn Quốc vừa có văn bản thông báo với Bộ Lao động – TBXH không ký tiếp tỏa thuận cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài, nhiều lao động và người dân băn khoăn do đâu lại có sự tạm dừng này và liệu họ còn có cơ hội xuất khẩu sang Hàn Quốc làm việc nữa không?
Năm 2004, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết bản Ghi nhớ về lao động Việt nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là EPS). Từ đó đến nay, ViệtNamđã có gần 70.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Đặc biệt, từ tháng 7/2012, Hàn Quốc cho phép những trường hợp lao động trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc (4 năm 10 tháng), không chuyển đổi chủ sử dụng lao động (lao động trung thành) được quay trở lại làm việc sau 3 tháng về nước mà không phải tham gia kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn.
Song gần đây xuất hiện tình trạng người lao động (NLĐ) Việt Nam không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đặc biệt là từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước chiếm khoảng 50% tổng số lao động phải về nước vì hết hạn hợp đồng., trong khi tỷ lệ này tính bình quân cho tất cả các nước cung ứng lao động sang Hàn Quốc là 21%. Chính vì vậy, vừa qua Hàn Quốc đã đề nghị Bộ Lao động – TBXH tạm thời chưa ký kết gia hạn bản Ghi nhớ về hợp tác lao động đã hết hạn vào tháng 9/2012 để hai bên phối hợp các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng nhưng không về nước. Trong thời gian chưa ký kết gia hạn thỏa thuận, phía Hàn Quốc tạm thời chưa giới thiệu lao động mới cho người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Tuy nhiên, lao động về nước đúng thời hạn vẫn được tiếp tục sang làm việc tại Hàn Quốc.
Bộ Trưởng : PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN
Để có thể ký tiếp thỏa thuận, Hàn Quốc yêu cầu phía Việt Nam có biện pháp tích cực nhằm giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, Bộ Lao động – TBXH có những biện pháp gì để nối lại kênh hợp tác với Hàn Quốc?
Nhằm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước, từ năm 2011 Việt Nam đã có những biện pháp như: Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và chính quyền các địa phương trong việc thông tin về chương trình đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, các hậu quả của việc NLĐ không về nước đúng thời hạn để người dân nắm rõ. Thay đổi cách thức tuyển chọn NLĐ cho đúng đối tượng, phù hợp với khả năng, yêu cầu công việc và nguyện vọng của NLĐ. Tăng cường công tác đào tạo tiếng Hàn, giáo dục định hướng, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho NLĐ trước khi đi. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc tổ chức tư vấn, tuyên truyền cho số lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, nhất là số lao động chuẩn bị hết hạn hợp đồng.
Đặc biệt trong tháng 8/2012, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị về Hợp tác lao động với Hàn Quốc có sự tham gia chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân. Tại hội nghị này, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương có nhiều lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc tăng cường tuyên truyền, thông tin để người dân hiểu về chính sách, pháp luật của Hàn Quốc đối với NLĐ Việt Nam; nghiên cứu, chủ động có biện pháp vận động lao động địa phương mình làm việc tại Hàn Quốc về nước khi hết hạn hợp đồng.
Bộ Lao động – TBXH cũng đang phối hợp với Hội Cựu binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan chính quyền địa phương thực hiện chương trình phối hợp về công tác thông tin, tuyên truyền, thành lập các tổ tư vấn ở các xã, phường đến gia đình có NLĐ tại Hàn Quốc tư vấn, yêu cầu gia đình vận động thân nhân tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn hợp đồng.
Thời gian tới đây, bên cạnh việc tiếp tục triển khai những giải pháp trên, Bộ Lao động – TBXH sẽ nghiên cứu, triển khai thêm một số giải pháp mới, đó là: nghiên cứu để ban hành chính sách nhằm rằng buộc trách nhiệm của NLĐ và gia đình NLĐ như chính sách ký quỹ, bảo lãnh đối với NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc; yêu cầu NLĐ và gia đình NLĐ cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật hai nước; những địa phương có nhiều lao động hết hạn hợp đồng không về nước sẽ giảm giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động (đây là một trong những giải pháp thiết yếu trong thời điểm hiện tại). Phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc để yêu cầu phía Hàn Quốc có biện pháp quản lý đối với người sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp.
Bộ đề xuất cấm lao động tại các huyện có tỷ lệ bỏ trốn cao, tuy nhiên không ít lao động có nguyện vọng đi xuất khẩu tại Hàn Quốc ở những địa phương này cho rằng điều này bất công với họ, vì đây là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”?
Từ cuối năm 2011, cùng với những biện pháp giáo dục, vận động như ở trên, Bộ Lao động – TBXH đã đề nghị các địa phương có tỷ lệ lao động ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp cao hạn chế tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc ở những xã, phường có tỷ lệ cao nhất. Việc thực hiện giải pháp nhằm một mặt để chính quyền các địa phương nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trong giáo dục, vận động người dân, mặt khác cũng để tạo dư luận trong cộng đồng phê phán những hành vi vi phạm pháp luật của những NLĐ.
Tới đây, nếu tình hình chưa được cải thiện, Bộ Lao động – TBXH vẫn sẽ đề nghị các địa phương tiếp tục tạm dừng ở một số huyện, nếu cần có thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm dừng tuyển chọn ở một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao tại Hàn Quốc. Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để có biện pháp xử lý đối với cá nhân NLĐ vi phạm.
LĐ Nghệ An chen lấn nộp hồ sơ Xuất khẩu lao động Hàn Quốc
Bộ có biết hiện tượng có người đi xuất khẩu lao động bị thu phí quá cao trước khi đi Hàn Quốc làm việc. Có người cho biết đã phải bỏ ra đến 300 triệu đồng. Khi hết hạn hợp đồng, thu nhập của NLĐ vừa đủ để trả các chi phí bỏ ra ban đầu nên họ phải trốn ra ngoài làm chui, kiếm thêm tiền mang về cho gia đình?
Trước tiên, cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm này, bởi đây chỉ là những lý do biện bạch cho việc không tuân thủ những quy định pháp luật hai nước của những lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp làm việc, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, tư cách của NLĐ Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc.
Chương trình EPS là chương trình phi lợi nhuận, được Liên Hiệp quốc đánh giá cao và là chương trình công khai, minh bạch, chi phí thấp. Theo quy định của Hàn Quốc, các nước cung ứng lao động theo chương trình này phải thành lập một tổ chức công để phối hợp với các cơ quan liên quan của Hàn Quốc triển khai chương trình. NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc chỉ phải chịu các chi phí trước khi đi với tổng cộng là 630 USD (bao gồm tiền vé máy bay, lệ phí visa, chi phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tuyển chọn và xử lý hồ sơ của NLĐ). Ngoài ra, NLĐ phải mang theo 500 USD sang Hàn Quốc để mua bảo hiểm rủi ro và bảo hiểm hồi hương (khoản tiền này sẽ được hoàn trả lại cho NLĐ sau khi hết hạn hợp đồng lao động về nước).
Những nội dung này đã được Bộ Lao động – TBXH phối hợp với các địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều năm nay để tất cả người dân đều có thể nắm được. Tuy nhiên, nhiều lao động có tâm lý nôn nóng, muốn được xuất cảnh sớm, nên dễ bị các cá nhân xấu lợi dụng để lừa đảo. Do đó, đề nghị NLĐ nếu có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc cần tìm hiểu kỹ các quy định, thông qua Sở Lao động – TBXH hoặc Trung tâm Lao động ngoài nước để được tư vấn, tránh để bị lợi dụng, lừa đảo.
Vụ 14 lao động Việt Nam thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại một xưởng may tại Nga tháng 9 vừa qua chỉ là “phần nổi trong tảng băng chìm” lao động xuất khẩu bất hợp pháp của Việt Nam. Đây là một thực trạng nhức nhối khi nhiều người dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động đang rất thiếu thông tin và rất dễ bị dụ dỗ vào các đường dây môi giới xuất khẩu bất hợp pháp, phía Bộ có những cảnh báo gì cho người dân?
Hiện nay, một bộ phận NLĐ do thiếu hiểu biết, muốn đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá, trường hợp vừa xảy ra ở Nga là một ví dụ. Tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thông tin rộng rãi để cảnh báo cho người dân tránh đi theo các con đường bất hợp pháp. Đồng thời sẽ cùng với các cơ quan chức năng tìm các giải pháp hạn chế tình trạng công dân ViệtNamđi nước ngoài bằng nhiều hình thức rồi ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp.
Đối với những người đang có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, trước khi đưa ra quyết định cần cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn thị trường, ngành nghề phù hợp với bản thân. Chỉ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo các kênh hợp pháp, các doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động, không nên thông qua các cá nhân, tổ chức không có chức năng. Trong thời gian làm việc ở nước ngoài cần liên hệ với cơ quan đại diện của Việt Nam để có thể nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.