Nghe lời rủ rê, ông Nguyễn Huy Mẹo (thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng, TP Hải Dương) đã đi vay mượn hơn 100 triệu đồng để đầu tư cho con trai xuất khẩu lao động. Tiền mất tật mang, gia đình ông phải bán cả đất ở vẫn chưa xong nợ nần. Giờ hai vợ chồng ông phải vất vả đào ao thả cá, mỗi tháng “nặn” ra hơn bốn triệu đồng trả lãi. Ðây là “quả đắng” mà hàng trăm người dân nghèo muốn đi xuất khẩu lao động vướng phải.
Khóc bên đống nợ
Ngồi trước đống sổ nợ trong căn lều lụp xụp, ông Mẹo bưng khuôn mặt đỏ hoe vì khóc, giọng nói vô cùng bức xúc. Năm 2005, con trai ông mới xuất ngũ, vợ chồng đang tính tìm một con đường chắc chắn cho cậu làm ăn. Thế rồi, ông Nguyễn Công Thiệp là hàng xóm, của gia đình, đến nói có một mối xuất khẩu lao động ngon lắm. Ông Thiệp hứa sẽ giúp đỡ tất cả nên vợ chồng ông Mẹo đã mau chóng đi vay nặng lãi, vay vàng của anh em quyết tâm đưa con đi với mong ước làm giàu. Ai ngờ thành tai họa…
Dù đã bán một sào đất để trả bớt nợ, nhưng vẫn còn 160 triệu đồng. Vợ ông Mẹo, bà Ðỗ Thị Hìu cho biết, những năm trước vay vàng bán đi dồn thành tiền cục để chuyển ông Thiệp đưa cho người của công ty, giá lúc đó chỉ khoảng một triệu đồng/chỉ. Nay vàng đã tăng gấp hơn bốn lần, điều đó khiến vợ chồng bà lo bạc cả mặt. Với những người nông dân như bà, vài triệu đồng trả lãi mỗi tháng là con số quá lớn. Hiện tại, gia đình đã đi xin thêm bảy sào ruộng ở diện xấu để tăng gia sản xuất. Mang tất cả giấy tờ liên quan đến nợ nần, vay lãi, giấy niêm phong nhà… ra trong đau đớn. Ông Mẹo buồn kể rằng, chẳng biết vất vả đến cuối đời có thanh toán hết nợ không. “Ðó, cả ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với ý nghĩ sẽ vớt vát dần, chứ chả lẽ tìm đường chết. Thật sự, ngay cả trong mơ vợ chồng tôi cũng thấy người đến đòi nợ hoặc bị niêm phong nhà…”, chỉ ra mặt ao mênh mông nước, ông Mẹo tâm sự và nước mắt lại rơi. Thấy chồng khóc, vợ ông cũng không cầm được lòng.
Cùng hoàn cảnh, vợ chồng cùng con cái ông Nguyễn Nhân Khóa (thôn Thanh Liễu) cùng các con “kéo cày trả nợ” suốt mấy năm nay. Là “con nợ” thì luôn bị đốc thúc. Vay chỗ nọ, đập vào chỗ kia, hiện gia đình ông vẫn nợ ngân hàng 200 triệu đồng với tổng số 12 cuốn sổ với lãi suất cao… Có một điều buồn hơn với gia đình ông Khóa là năm 2005, con trai ông chỉ còn chờ ngày bay đi làm ở Ðài Loan (Trung Quốc). Thế rồi nghe theo “người anh em” Nguyễn Công Thiệp, ông bảo con trai hoãn chuyến đó để đi theo mối mà người ta nói sẽ sướng hơn, thu nhập cao hơn. Ðưa tay quệt nước mắt, ông Khóa mếu máo nói: “Tôi nghĩ tình nghĩa với nhau như thế, ông Thiệp nói cho con trai cùng đi, lừa nhau làm gì. Trong lúc khẩn trương, chúng tôi đôn đáo đi vay hết người này đến người khác, cuối cùng giờ vẫn trắng tay. Tôi làm nhà tạm ngoài cánh đồng, làm trang trại, kiếm sống qua ngày”.
Xã Tân Hưng có bốn gia đình và xã Tân Tiến (huyện Gia Lộc) cạnh đó có hai gia đình là nạn nhân, tất cả đều bị “kẻ xấu đưa chung vào một rọ”. Các nạn nhân cho biết, kẻ xấu hoạt động bài bản, dưới hình thức các công ty môi giới cử người xuống “cơ sở” vận động, nói là đặt cọc 15 triệu đồng rồi có lịch bay sẽ nộp nốt số tiền chừng 60 triệu đồng, bao gồm cả tiền hồ sơ, tiền “chống trượt” tiếng Hàn Quốc. Cầm tiền nhưng nhiều lần trì hoãn, đường dây xuất khẩu lao động lớn do Nguyễn Văn Thanh (ở tận Thạch Thất, Hà Nội) luôn tìm cách đòi tăng thêm tiền, khiến nạn nhân phải xoay sở chóng mặt. Ðâm lao phải theo lao, gia đình ông Khóa cố gắng vay thêm với một niềm tin chắc chắn sẽ thành công và khoản nợ cứ lớn dần. Gia đình ông Mẹo cũng được ông Thiệp nói: “Tiền đi phải 180 triệu đồng”. Biết không thể theo được nữa, các gia đình mới bảo nhau làm đơn gửi đi cầu cứu các cơ quan chức năng. Rồi những mâu thuẫn diễn ra, các nạn nhân hoang mang và uất hận. Ông Khóa, ông Chiến thừa nhận, vì quá uất ức đã có lần định làm liều, nhưng được vợ con can ngăn nên chưa xảy ra hậu quả gì đáng tiếc. Công an xã Tân Hưng cho biết, năm 2007 để giải quyết mâu thuẫn giữa các gia đình với người trung gian là ông Thiệp, Công an xã phải vào cuộc để giữ gìn an ninh, bản thân ông Thiệp cũng phải cầu cứu Cảnh sát 113 Hải Dương.
Ở đâu cũng có lừa lọc
Qua tìm hiểu, ở bất kể các thôn, xã có người xuất khẩu lao động đều từng có “cò mồi” về môi giới dưới nhiều hình thức. Chúng đến những vùng đang có phong trào XKLÐ, trà trộn vào các buổi giới thiệu, tuyên truyền của các cấp xã, huyện đang tổ chức cho người dân có nguyện vọng đi làm ăn ở nước ngoài rồi làm quen, bắt mối, dụ dỗ. Thậm chí chúng còn lập cả Website để giới thiệu, trao đổi thông tin. Người dân đa số là người nghèo muốn thoát khỏi cảnh khổ cực, thiếu hiểu biết nên dễ tin vào các thủ đoạn của kẻ xấu, khi biết mình bị lừa thì đã quá muộn. Mục tiêu của chúng là lợi nhuận nên có khi chúng “ăn tiền” cả người thân, anh em ruột thịt, hàng xóm láng giềng tình nghĩa nhiều năm. Hai ông Phạm Văn Thúy và ông Vũ Văn Tẩu ở xã Tân Tiến (Gia Lộc, Hải Dương) bị người nhà lừa, đến nay vẫn chưa giải quyết ổn thỏa là một thí dụ điển hình.
Nhiều người dân ở Khánh Hòa cũng đang chìm trong khó khăn và nợ nần vì dính cú lừa của Công ty TTLC- Nha Trang (trực thuộc Tổng công ty TTLC – Hà Nội). Theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Công ty TTLC – Nha Trang chỉ được giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp trong nước và tạo nguồn lao động trên địa bàn các tỉnh miền trung và miền nam để cung ứng lao động bảo đảm cho việc thực hiện các hợp đồng mà Công ty TTLC – Hà Nội ký kết với đối tác nước ngoài một cách nghiêm túc. Thế nhưng, từ tháng 4-2007 đến cuối năm 2008, Giám đốc công ty là Dương Ðình Sơn (sinh tại Nha Trang) đã đi khắp tỉnh Khánh Hòa tuyển lao động. Ðể tạo niềm tin, công ty của Sơn còn ký thỏa thuận và cam kết đào tạo ngoại ngữ để tạo nguồn XKLÐ nước ngoài, sau đó Sơn trực tiếp thu tiền và chỉ đạo Dương Anh Phương (là kế toán công ty) thu tiền của rất nhiều người có nhu cầu. Toàn bộ tiền thu được, Sơn chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau đó, gã thay số điện thoại rồi bỏ trốn. Ngày 7-7-2011, Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã Sơn. Ngày 7-11-2011 Sơn đã đầu thú. Sau khi hoàn tất hồ sơ, ngày 18-6-2012, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt bị cáo Dương Ðình Sơn 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc phải trả lại toàn bộ số tiền cho các bị hại.
Ngày 9-3-2012, Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xét xử phiên phúc thẩm đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hình thức xuất khẩu lao động đối với các bị cáo Bùi Quang Chiến, Trịnh Xuân Nghiên, Nguyễn Tiến Quyền, Nguyễn Văn Thanh… Hồ sơ bản án ghi rõ con số những người bị hại có đến vài trăm, ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tòa cũng buộc Nguyễn Văn Thanh phải hoàn trả tiền cho những bị hại. Rõ ràng, xuất khẩu lao động là con đường làm ăn chính đáng nhưng không phải ai đi cũng thành công. Rủi ro, tai họa luôn rình rập, lúc nào cũng có thể ập xuống đầu người dân nghèo. Bởi thế “chắc đi, chắc thắng” là điều mà nhiều người đã ngộ ra.
Trở lại với những người suýt mất cả nhà vì xuất khẩu lao động, dù tội danh kẻ lừa đảo đã rõ ràng, án đã tuyên nhưng đến nay vẫn chưa được thi hành. Gần như tuyệt vọng vì tiếp tục thất vọng, họ lại vất vả, tốn kém ra thành phố “ngóng” mà chưa biết bao giờ mới nhận được tiền mà kẻ xấu đã lấy. “Chúng tôi mong các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, để những người dân nghèo chúng tôi nhận được tài sản của mình để khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Thật sự, chúng tôi đợi đã lâu lắm rồi!”, ông Chiến mệt mỏi cầm cả nắm đơn yêu cầu thi hành án, nói. Hình như ngày mai, ông tiếp tục làm đơn.