Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp nhằm mở rộng cơ hội việc làm, tăng thu nhập của người dân. Nhờ xuất khẩu lao động, nhiều vùng quê đã trở nên khá giả, nhiều gia đình đã thật sự đổi đời. Thế nhưng, bên cạnh tính tích cực, không ít người dân đã lãnh nhận hậu quả đau lòng là tệ nạn, bệnh tật, thậm chí đi theo con đường không chính ngạch dẫn đến bị lừa đảo, đánh đập, thậm chí thiệt mạng. Vụ hỏa hoạn gây nên những cái chết đau lòng tại Cộng hòa Liên bang Nga ngày 11-9-2012 vừa qua là hồi chuông cảnh báo cấp thiết…
Nỗi đau từ “ước mơ không hợp pháp”
Những ngày này, không khí trong gia đình ông Vũ Hiền Ðộ (An Xá, Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương) thật ảm đạm. Cả đại gia đình không đi đâu mà quây quần bên ban thờ cặp vợ chồng còn trẻ, thành viên của gia đình vừa gặp tai họa. Vợ ông Ðộ hết đứng lại ngồi, rồi chuyển vị trí trong ngôi nhà vừa cũ, vừa chật chội. Ông Ðộ vừa ngồi tiếp khách, có lúc lại ôm hai đứa cháu nội tội nghiệp giờ lâm vào cảnh mồ côi.
Tuổi đã nhiều, nỗi đau mất con trai và con dâu là anh Vũ Văn Thu và chị Vũ Thị Hoãn khiến mấy đêm qua ông bà Ðộ không chợp mắt. Những người anh em của hai nạn nhân cũng tha thẩn như người mất hồn. Việc duy nhất gia đình có thể làm được trong lúc này là đợi chờ sự giúp đỡ của nhà nước, Ðại sứ quán Việt Nam tại Nga để đưa tro cốt anh Thu, chị Hoãn về quê an táng. Mỗi khi các ban, ngành, đoàn thể, thôn xóm đến thăm hỏi, thắp hương cho cặp vợ chồng xấu số, ông Ðộ lại không cầm được lòng vì xót thương. “Thằng Thu chịu khó và có chí. Chúng tôi kỳ vọng vợ chồng nó đi chuyến này có thể trả được nợ, rồi tích cóp dựng nhà mới, ai ngờ…”. Chưa dứt câu, ông Ðộ òa khóc khiến bà vợ cũng khóc theo.
Anh Thu sinh năm 1977, lấy vợ sớm, công việc làm ruộng vất vả mà chẳng đủ ăn nên sau khi con trai lớn là cháu Vũ Trung Hiếu hơn một tuổi, hai vợ chồng gửi ông bà nội ở nhà nuôi hộ, dắt díu nhau ra Móng Cái (Quảng Ninh) làm ăn. Tại đây, chồng làm xe ôm, vợ buôn bán vặt, cuộc sống khó khăn nên lại vào Bình Dương làm thợ may. Có chút vốn, họ mở một xưởng nhỏ thuê vài người cùng làm. Ðứa con trai thứ hai được sinh ra ở đây khi chưa tròn hai tuổi cũng được gửi về quê nhờ ông bà nội. Năm 2008 việc làm ăn thua lỗ, năm 2010 hai vợ chồng về quê với món nợ gần 300 triệu đồng. Theo sự gợi ý và giúp đỡ của bạn bè, họ đưa nhau sang Nga làm thợ may theo diện “đi du lịch”. Mỗi tháng anh chị cũng dành được khoảng bảy triệu đồng gửi về quê. Nhớ thương con, dù tốn kém nhưng ngày nào anh chị Hoãn cũng dành vài phút gọi điện về hỏi thăm con. Con trai nhỏ là Vũ Trung Thức (5 tuổi) chỉ biết nói chuyện qua điện thoại với bố mẹ, chứ thật ra chẳng nhớ nổi khuôn mặt bố mẹ thế nào, bởi khi để ở nhà, Thức còn quá nhỏ. Ông Ðộ chia sẻ: “Ðây là mất mát quá lớn đối với gia đình tôi. Chỉ thương hai cháu nhỏ, chúng nó còn quá bé. Cháu nhỏ đã biết buồn khi nghe tin bố mẹ mất đâu, nhìn chúng nó mà tôi lại trào nước mắt…”.
Qua tâm sự với gia đình, vợ chồng anh Thu và hàng chục người ở xã Tân Trào đều biết con đường đi làm bất hợp pháp rất nguy hiểm, xảy ra sự cố gì thì người lao động chẳng có chút quyền lợi. Nhưng vì miếng cơm manh áo, họ phải đi “chui” cho đỡ tốn kém. Giờ xảy ra cơ sự, giàu có chưa thấy đâu nhưng người đã phải thiệt mạng nơi xứ người.
Bàn thờ nạn nhân Ðặng Quang Ngọc ở xóm 8 (Bảo Thành, Yên Thành, Nghệ An) cũng nghi ngút khói hương. Anh Ðặng Quang Võ (42 tuổi) bố của Ngọc liên tục nhìn lên ảnh con mà thấy day dứt. Tin con trai chết do cháy khiến vợ anh Võ ngất lịm, tỉnh dậy, chị lại gào khóc gọi tên con. Anh Võ cũng vô cùng đau đớn, song để giải quyết hậu sự, anh đã cố nén những giọt nước mắt. Chiều ngày 16-9, anh đã gửi nguyện vọng đến Ðại sứ quán Nga tại Việt Nam trình bày mong muốn được đưa xác con về quê mai táng và được chấp thuận. “Ðó cũng là vấn đề khó. May mà bà con, người nhà bên đó giúp đỡ chứ giờ kiếm đâu ra số tiền 12.000 USD để mang hai cháu về…”, anh Võ nghẹn ngào.
Cũng cảnh xấu số, nạn nhân Ðặng Quang Thành là anh em con chú con bác với Ngọc. Anh Ðặng Quang Văn, bố của Thành gần như phát điên khi nhận được hung tin. Cô của nạn nhân Thành cho biết, gia đình Thành rất hoàn cảnh, bố bị bệnh, mẹ phải đi làm thuê làm mướn để nuôi bốn người con. Thành là con thứ hai cũng phải bỏ học từ năm lớp 11 đi làm thuê. Thế rồi tai nạn xảy ra, nỗi đau mất con khó lấp đầy, mỗi khi nghĩ đến chuyện đã để con sang Nga gia đình cảm thấy nhói lòng. Lãnh đạo xã Bảo Thành cho biết, địa phương này có gần 600 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó khoảng 400 người đi Nga từ năm 1990. Hầu hết những người này đi theo diện “chui”, người đi trước dẫn người đi sau qua đó mà không qua công ty xuất khẩu lao động hay môi giới lao động nào.
Ðừng đánh cược với số phận
Ðây không phải lần đầu tiên lao động Việt Nam thiệt mạng do hỏa hoạn tại Nga. Năm 2011 ở thị trấn Ivanchevka và xưởng may của người Việt gần “Chợ Vòm” ở Thủ đô Mát-xcơ-va đã xảy ra hai vụ cháy làm tổng cộng chín người Việt thiệt mạng. Ðây là những thí dụ cho thấy sự nguy hiểm của việc lao động bất hợp pháp, khi mà cả “ông chủ” cũng đánh cược mạng sống của công nhân nên đã khóa trái cửa để không ai được tự do ra ngoài. Vụ cháy xưởng may tại Egorevsk, thuộc ngoại ô Mát-xcơ-va làm 14 người thiệt mạng và một số người bị thương đã để lại nỗi đau tột cùng cho gia đình, người thân của họ và là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi ai muốn làm giàu bằng đường đi lao động không chính thống.
Nói đến khổ sở thì hàng chục lao động ở xã Hòa Thắng (Phú Hòa, Phú Yên) đang làm việc ở Nga là tiêu biểu. Các hộ ông Ðàm Nhân Trung, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Văn Tuyến… có con trai sang Nga làm việc tại một xưởng may của Công ty TNHH Vinastar từ tháng 12-2011, nhưng đến nay không được nhận đồng lương nào dù tiền đầu tư để đi được rất lớn. Ông Trung bức xúc: “Hiện dân chúng tôi đang kéo cày trả nợ trong khốn cùng, vừa nơm nớp lo lắng con bị bóc lột như nô lệ ở xứ người”.
Ðiều đáng nói, trong hợp đồng lao động được ký kết trước khi sang Nga, mức lương hằng tháng 500 USD, thời gian làm việc tám giờ/ngày, mỗi tháng nghỉ bốn ngày. Thế nhưng, trong những lá thư cầu cứu gửi về gia đình các nạn nhân cho biết họ phải làm việc quần quật 16 giờ/ngày, cả tháng không được nghỉ. “Nhiều lần chúng nó điện thoại về cầu cứu vì bị bắt lao động như khổ sai, muốn trốn về nhưng không được phát tiền lương. Thương con mà chúng tôi không biết làm thế nào để giúp con”, bà Lan vừa khóc nghẹn, vừa nói. Hiện nay các gia đình không biết phải tìm ai để đòi quyền lợi vì các lao động trước khi sang Nga đã qua nhiều cầu môi giới, người nọ chuyển cho người kia. Cụ thể, hàng chục lao động ở Phú Yên, Khánh Hòa được ông Tần Hữu Phước môi giới chứ không làm việc trực tiếp với Công ty TNHH Vinastar. Có người tìm đến tìm ông Phước “tính sổ” nhưng ông ta đã rời khỏi địa phương không ai biết. Nhiều gia đình họ chấp nhận khoản tiền bị mất trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu lao động, chỉ cần con về được nhưng cái khó là không kiếm đâu ra 5.000 USD để bồi thường vì “tội phá vỡ hợp đồng”.
Tôi thắp nén hương trước bàn thờ anh Thu chị Hoãn, chia buồn với gia đình ông Vũ Hiền Ðộ. Cháu Vũ Trung Thức ngây thơ hỏi: “Sao chú lại cúi chào ảnh bố mẹ cháu?”. Ông Ðộ ôm đứa cháu nhỏ vào lòng, xoa đầu: “Chú ấy viếng hương hồn bố mẹ cháu. Ừ, mà cháu đã biết rơi nước mắt khi mất bố mẹ đâu…”.