GIẢI PHÁP NÀO CHO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG ĐÀI LOAN HIỆN NAY?

Vừa qua, Cục quản lý lao động ngoài nước- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ra công văn số: 341/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 15/2/2012 V/v: Chấn chỉnh công tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan  nội dung  của công văn định mức chi phí dịch vụ môi giới xuất khẩu lao động, chấn chỉnh các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động về việc ủy quyền cho các chi nhánh trong việc tuyển chọn, đào tạo, thu phí đối với người lao động.

Văn bản này được đưa ra là hợp lý phù hợp với hoàn cảnh hiện nay do tình hình người lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú và lao động bất hợp pháp tại Đài Loan với số lượng lớn. Cùng với việc hoạt động  lộn xộn của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước.

(Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) về tình hình lao động Đài Loan, lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan tăng nhanh từ năm 2003 đến nay, bình quân khoảng 6.600 lao động bỏ trốn/năm (550 lao động/tháng). Tỷ lệ lao động bỏ trốn hiện nay là 8%/năm (www. xaluan.com)
Đây là một con số khá lớn, là vấn đề nhức nhối đối với việc quản lý của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động. Nguy cơ lớn hơn là chính phủ Đài Loan sẽ thực hiện việc cấm tiếp nhận lao động từ Việt Nam. Điều đó xảy ra sẽ làm Việt Nam mất đi một nguồn kiều hối gửi về khá lớn. Theo thống kê lượng tiền gửi lao động ở nước ngoài về Việt Nam 1,8 tỷ đô la (năm 2011) mà chủ yếu tại Đài Loan (23.673), Hàn Quốc(14.134), Malaysia (6.664)

Việc bỏ trốn của các lao động tại Đài Loan có rất nhiều nguyên nhân:

      Thứ nhất, lao động sắp hết hạn hợp đồng về nước bỏ trốn ra ngoài để cư trú và lao động bất hợp pháp. Thành phần này chiếm khá đông trong tỷ lệ bỏ trốn hiện nay và rất khó kiểm soát. Do xử lý vấn đề này cần phải phối hợp tất cả các bên: Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, cảnh sát  Đài Loan, doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam, hiệp hội, công hội tại Đài Loan.

       Thứ hai, do chi phí đi xuất khẩu lao động quá cao, lao động bỏ trốn ra ngoài để  làm việc “chui” có thu nhập cao hơn để bù đắp lại chi phí. Tuy nhiên, chi phí đi xuất khẩu lao động cao cũng có nguyên nhân sâu xa của nó, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam phải trả chi phí môi giới Đài Loan hiện nay quá cao, thậm chí trong đó cả một sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để giành được  hạn ngạch từ môi giới Đài Loan. Đây là một vấn đề muôn thuở về văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, tính cạnh tranh không lành mạnh tính chất hiệp hội ngành nghề đã bị gạt qua một bên, chỉ thể hiện bản chất chụp giật trước mắt mà gây ra một hậu quả xã hội lâu dài.

Nếu hiệp hội các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam đủ mạnh, có tiếng nói, có tính đoàn kết cao, thống nhất giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thì sẽ áp đặt được một mức phí hợp lý đối với các doanh nghiệp môi giới Đài Loan. Điều này, rất có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam, cho người lao động, thậm chí cho cả lợi ích quốc gia. Vì khi chi phí thấp, số người lao động đi xuất khẩu sẽ tăng lên do nhiều người có đủ khả năng chi trả chi phí môi giới, làm tăng doanh thu cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Cùng với việc tăng lượng kiều hối từ nguồn lao động làm việc tại Đài Loan cho đất nước.

Bên cạnh đó, do người lao động thiếu các thông tin cần thiết nên đã đi qua rất nhiều môi giới trung gian mới đến được các đơn vị xuất khẩu lao động trực tiếp, khiến chi phí đội lên quá cao. Hiện nay, với các công ty có uy tín, có mục đích lâu dài thì việc áp dụng hạn chế mức phí trần đối với “cò” môi giới có tác dụng tích cực, làm hạn chế các “cò” trung gian, đảm bảo sự an tâm về chi phí đối với người lao động. Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động làm ăn kiểu”chụp giật” thì không cần biết mức phí người lao động đóng bao nhiêu? Mà chỉ quan tâm đến người lao động có nhập cảnh được không? Thậm chí, kể cả những hình thức gần như lừa đảo người lao động. Điều này kéo theo rất nhiều hệ lụy của nó, như chất lượng người lao động thấp, gây ra tâm lý muốn bỏ trốn ra ngoài của người lao động, mang tiếng xấu và ảnh hưởng đến hình ảnh con người Việt Nam.

          Thứ ba, do tình trạng hoạt động sản xuất của các nhà máy, công xưởng tại Đài Loan đình trệ, dẫn đến công việc của người lao động thất thường, thu nhập không ổn định,  khiến cho lao động bỏ trốn ra ngoài tìm kiếm công việc bên ngoài thu nhập cao hơn.

         Thứ tư, do ý thức của người lao động không  quen với môi trường công việc tại đất nước công nghiệp khá phát triển như Đài Loan. Vi phạm các nội quy, quy định lao động dẫn đến việc bị chủ phạt, gây tâm lý chán nản tự bỏ ra ngoài tìm công việc khác không hợp pháp.

Trên đây, là thực trạng và những nguyên nhân lao động bỏ trốn tại Đài Loan hiện nay.

Để giải quyết cho tình trạng này, thì cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam. Từ đó sàng lọc bớt các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có năng lực yếu kém (về hiệu quả và đạo đức kinh doanh)  để cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có năng lực thực sự và  có mục đích kinh doanh lâu dài tồn tại và phát triển, không bị ảnh hưởng và xáo trộn như tình trạng hiện nay.  Đồng thời, cần phải cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời như: mặt bằng phí, tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam cho người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài.

Bên cạnh đó, hiệp hội ngành nghề xuất khẩu lao động Việt Nam cần phải nâng cao uy tín, có tiếng nói để đảm bảo việc cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong việc khai thác thị trường lao động Đài Loan.

(Công Minh)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *