Chắt chiu tiết kiệm được 37.000 USD làm vốn sau 3 năm lao động ở Hàn Quốc. Tuy nhiên điều làm anh Nguyễn Ngọc Chiến (quê huyện Tam Nông, Phú Thọ) ân hận là do thiếu thông tin nên anh phải bỏ ra chi phí 6.000 USD để nhờ người lo cho đi nhanh.
Chưa khi nào tình hình xuất khẩu lao động lại trở nên khó khăn như thời điểm hiện tại. Các thị trường XKLĐ truyền thống, tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam là Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia đang ở trong tình trạng phải chấn chỉnh, hạn chế tiếp nhận do tình trạng bỏ trốn quá cao.
Nhiều DN XKLĐ mạnh cũng đã phải hoạt động cầm chừng, cùng với đó là hạn chế cơ hội cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Làm gì để cứu vãn và hâm nóng các thị trường XKLĐ, bảo vệ các quyền lợi cho người lao động ở nước ngoài đã được các chuyên gia và DN XKLĐ đưa ra tại cuộc tọa đàm do Báo Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 3/5 tại Hà Nội.
Buộc phải qua môi giới
Trở về sau 3 năm làm việc tại Hàn Quốc, lao động Nguyễn Ngọc Chiến (quê huyện Tam Nông, Phú Thọ) cho biết, đã cố gắng chắt chiu để tiết kiệm được 37.000 USD làm vốn. Tuy nhiên điều làm anh Chiến ân hận là do thiếu thông tin mà Chiến đã phải bỏ ra chi phí 6.000 USD để nhờ người lo cho đi nhanh. Rất nhiều lao động làm việc cùng Chiến tại Hàn Quốc cũng đã phải mất tiền nhiều lần so với mức gần 700 USD theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Người mất ít nhất là 2.000 USD, người nhiều lên tới cả chục ngàn USD.
Theo anh Chiến, phải bỏ ra chi phí cao trước khi đi cộng với việc tại Hàn Quốc cũng hình thành những đường dây môi giới lo cho lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc ngoài hợp đồng, nên nhiều người đã cố ở lại vài năm để kiếm thêm. Chiến cũng đã bỏ ra 3.000 USD để nhờ đường dây này lo cho thủ tục giấy tờ và thủ tục xin làm việc tại một công ty khác ở Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng, nhưng không may đường dây này đã bị Cảnh sát phát hiện
Không chỉ riêng thị trường Hàn Quốc, tỷ lệ bỏ trốn cao tới gần 50%, gần đây Đài Loan, thị trường chiếm tới 30-40% thị phần XKLĐ của Việt Nam hằng năm, cũng tăng báo động, khoảng 550 lao động bỏ trốn/tháng.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, đại diện đến từ Hiệp hội XKLĐ Việt Nam cho biết, hiện nay, người lao động muốn đi XKLĐ giống như đi rừng mà không có la bàn. DN XKLĐ thì tốt – xấu lẫn lộn. Hệ thống chân rết, cò mồi tung hoành khắp nơi khiến cho lao động như lạc vào ma trận.
Tình trạng bán giấy phép cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng đang diễn ra rất phổ biến, cơ quan chức năng không quản lý nổi. “Với thị trường Đài Loan, hiện có tổng cộng 67 doanh nghiệp có giấy phép. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đã thành lập tổng cộng hơn 100 chi nhánh hoặc trung tâm và khoảng 140 cơ sở đào tạo (chưa tính văn phòng đại diện) để thực hiện việc tư vấn, tuyển chọn và đào tạo lao động đi làm việc tại Đài Loan” – ông Tân cho biết.
Cần minh bạch thông tin và thị trường
Ngày 3/5, tại buổi tọa đàm XKLĐ chính sách trách nhiệm và lợi ích, ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch – TTLC (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam – Vinamotor) cho biết, tình trạng dở nhất hiện nay là các doanh nghiệp tranh giành khốc liệt trong việc tìm kiếm đơn hàng dẫn đến đua nhau về giá.
Có nhiều doanh nghiệp mở nhiều chi nhánh, trung tâm để cạnh tranh tìm nguồn lao động, đẩy chi phí cao hơn quy định để bù đắp chi phí. Tình trạng lao động bỏ trốn diễn ra nhức nhối, không DN XKLĐ nào không phải đối mặt với những rủi ro do lao động Việt Nam kỷ luật còn kém, hay lãn công, đình công là chia sẻ của ông Lê Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại – Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại (Constrexim -TM). Riêng thị trường Đài Loan đang nóng lên từng ngày, doanh nghiệp nào cũng đang trong tình trạng lửa đốt đến chân. 100% doanh nghiệp hiện đang thu phí cao hơn so với quy định của nhà nước.
Rất nhiều chuyên gia XKLĐ đến từ Hiệp hội XKLĐ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều đồng tình với giải pháp của ông Vũ Đình Toàn, nguyên Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cần phải minh bạch hóa thông tin, minh bạch hóa thị trường, cùng với đó là sự phối hợp thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan truyền thông khi có sự vụ xảy ra đối với lao động Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế để doanh nghiệp tạo nguồn lao động chất lượng.
Liên quan đến vụ việc 40 lao động Việt Nam đi theo đường dây XKLĐ “chui” sang Nga làm việc gần đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, hiện có khoảng 400 xưởng may quy mô lớn nhỏ (từ vài ba chục công nhân đến vài trăm công nhân) nằm rải rác trên khắp nước Nga. Chỉ riêng thủ đô Mát-xcơ-va và các tỉnh xung quanh, ước tính có khoảng trên 200 xưởng may với khoảng 20.000 công nhân. Các xưởng may đều nằm ở những khu vực xa dân cư, trong các cơ sở của các nhà máy cũ của Nga. Người lao động Việt Nam và các chủ xưởng chỉ lên Đại sứ quán đề nghị hỗ trợ khi gặp sự cố hoặc cơ quan chức năng của Nga kiểm tra, bắt giữ.