Công ty Tradimexco trả lời như thế nào trước việc nhân viên của mình ngang nhiên chèo kéo, lừa đảo người lao động? “Nghi án” đường dây chạy XKLĐ Hàn Quốc ở Nam Định có phải là bộ phận của đường dây lừa đảo liên tỉnh? Phần tiếp theo của loạt bài điều tra sẽ trả lời câu hỏi này cũng như sẽ lật lại một số bằng chứng giúp Sở LĐ, TB&XH Nam Định có cơ sở để xử lý nghiêm minh những cán bộ vi phạm.
Đường dây lừa liên tỉnh?
Tọa lạc ở 1 ngõ nhỏ nằm khuất nẻo trên đường Trần Bình (sau bến xe Mỹ Đình), “đại bản doanh” của công ty TNHH 1 thành viên Thương mại dịch vụ và XKLĐ Hải Phòng chi nhánh Hà Nội, (viết tắt là TRADIMEXCO Hà Nội) không hề có biển báo, chỉ có mầu sơn hồng-cam nổi bật. Trên tấm bảng treo tường của văn phòng, dòng chữ đỏ rực cũng chỉ vỏn vẹn: “Bảng tin TRADIMEXCO – HÀ NỘI”.
Bà Phạm Thị Kiều Oanh – giám đốc TRADIMEXCO – chi nhánh Hà Nội dường như chẳng mấy ngạc nhiên khi chúng tôi trao đổi về nội dung cuộc tư vấn của Ngọc với phóng viên. Theo bà Oanh, Nguyễn Văn Ngọc về đầu quân cho công ty được gần 2 năm nay với công việc được giao là nhân viên thị trường. Trước việc nhân viên công ty ngang nhiên tư vấn, khẳng định về 1 đường dây “chạy” XKLĐ ở Nam Định sang thị trường Hàn Quốc với cái giá: 2000USD chống trượt cho kỳ thi này, chỉ cần họ tên và số báo danh và đi nhanh là hàng trăm triệu, bà giám đốc lý giải: “Ngọc nhận chạy EPS bao từ hồ sơ, lý lịch đến đi như thế nào thì em không biết. Chắc em ấy phải có đường dây mới nhận thế. Có thể cá nhân Ngọc có quan hệ trên Bộ nên bao được. Anh Sơn (tức anh Sơn Giám đốc TTGTVL Nam Định-PV) thì bọn em có biết còn không biết được bên chỗ chị Ngọc hoặc TTGTVL có đưa người cho Ngọc đi theo công ty, phương thức nào thì em thực sự không biết. Thực tế thì em ấy phải có đường dây mới dám nói thế…”.
Chúng tôi miễn bình luận về thông tin mà bà Oanh cung cấp!
Nỗi buồn của những nạn nhân bị lừa đảo XKLĐ |
Khi nhóm PV đề nghị được gặp Ngọc thì bà Phạm Thị Kiều Oanh cho biết hôm nay Ngọc về quê. Tuy nhiên thông tin mà bà Oanh đưa ra sau đây mới khiến chúng tôi thực sự ngỡ ngàng: “Em Ngọc tháng 11 này đi học văn bằng 2 nên xin nghỉ làm rồi. Em nhớ không nhầm là chính thức là ngày 6/12/2012”.
Bà giám đốc Phạm Thị Kiều Oanh đưa cho chúng tôi xem tờ đơn xin thôi việc tươi roi rói, ghi ngày làm đơn là 25/11/2011 của Nguyễn Văn Ngọc, chính thức có hiệu lực từ ngày 6/12. Nếu đúng như Ngọc đã chính thức thôi việc từ ngày 6/12 vậy thì ngày 8/12, khi mà các PV trong vai những lao động đi nộp hồ sơ cho công ty thì Ngọc vẫn trong vai một nhân viên mẫn cán, nhiệt tình chỉ dẫn rồi lại tận tình ra đón đưa đến văn phòng cũng như hùng hồn thuyết giảng về các đường đi nước bước để chạy XKLĐ Hàn Quốc theo chương trình EPS.
Trong vai những lao động đang khát khao được XKLĐ Hàn Quốc, phóng viên lập tức được Ngọc “chăm sóc” chu đáo: “Anh có thi đợt này không? Nếu bây giờ đi theo “đường” chứng chỉ cũng phải mất đến hàng trăm triệu“. Thấy phóng viên ngẩn người hỏi: “Sao nhiều thế? Em tưởng đó là chương trình của Bộ LĐTBXH, mất ít tiền chứ?“. Ngọc xanh rờn tuyên bố: “Bộ thì Bộ chứ. Phí chính thức thì nó rẻ, nhưng thực ra phải chạy mới đi được chứ, còn để anh chị đợi, còn lâu mới đi được. Nếu đi theo đúng ngạch, không phải ai cũng đi được đâu, tổ chức thi là để dân yên tâm thôi chứ còn hồ sơ trên mạng đang còn chục ngàn hồ sơ”. Để đánh gục “con mồi” Ngọc bồi thêm:“Sau khi anh chị thi có chứng chỉ tiếng Hàn rồi, thông tin của anh chị ở trên mạng chờ chủ Hàn chọn, nhưng nếu không có người trực tiếp cầm thông tin của các anh chị đến chào mời các doanh nghiệp bên kia thì rất lâu mới có doanh nghiệp nhận anh chị“.
Khi PV băn khoăn về việc “chạy” như thế này có chắc không, mà hồ sơ dự thi là ở Nam Định? Ngọc “thuyết phục” bằng những việc làm hàng ngày của mình, “Bọn em làm suốt. Đợt này bọn em đang làm đây này. Rất đơn giản. Thi ở đâu không quan trọng chỉ cần họ tên, CMND, ngày cấp là có thể làm được hết!!!”.
Điều ngạc nhiên nữa là gần như cùng thời điểm, cả Quân, (nhân vật làm ở Trung tâm Dạy nghề thanh niên khu vực sông Hồng, đóng tại thành phố Nam Định mà chúng tôi đã đề cập trong các kỳ trước, người đã giới thiệu chúng tôi tới Tradimexco) cũng được công ty này đột ngột dừng hợp đồng cộng tác viên???!!!!. Câu hỏi đặt ra là: Bà Vũ Thị Bích Ngọc, cán bộ TTGTVL Nam Định và Nguyễn Văn Ngọc cũng như công ty Tradimexco-Hà Nội có mối liên hệ như thế nào? Việc dàn xếp cho nhân viên “xin nghỉ việc” đột xuất phải chăng là để Tradimexco dễ dàng “đẩy’ tội?
Không chỉ dừng lại ở những hiện tượng bất thường của nhân viên cũng như của công ty mà đi sâu tìm hiểu về quy trình cũng như đơn hàng XKLĐ ở đơn vị này cũng cho thấy có nhiều vấn đề cần giải trình với Cục quản lý LĐ ngoài nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong các kỳ tiếp theo.
Kết quả sau 2 tháng thanh tra xác minh?
Ngày 14/12, nhóm PV Đài TNVN và nhiều cơ quan báo chí khác đồng loạt nhận được công văn số 1095/SL, ĐTB&XH tỉnh Nam Định về việc xử lý bước đầu vụ việc tiêu cực đưa người lao động đi làm việc ở Hàn Quốc. Như vậy, qua gần 2 tháng xác minh, Sở LĐ, TB&XH Nam Định đã đưa ra “kết quả nhanh”.
Tuy nhiên, thông tin trong công văn này đã dựa trên những thông tin ban đầu đã rất cũ, trong khi loạt bài điều tra của chúng tôi đã đưa ra những chứng cứ rất mới, chứng minh về những hành vi tiêu cực của bà Vũ Thị Bích Ngọc và những nghi vấn tiêu cực tại TTGTVL của sở. Bên cạnh đó còn có yếu tố để mở rộng điều tra về hành vi lừa đảo liên tỉnh như đã trình bày. Những luận cứ mà sở đưa ra trong thông tin này có nhiều điểm tương đồng với đơn tố cáo của bà Ngọc với phóng viên VOV2 và đã được chúng tôi chứng mình là không chính xác. Những bằng chứng về hành vi của bà Ngọc và những người liên quan đang được nhóm PV Đài TNVN lưu giữ. Chúng tôi khẳng định, những chứng cứ, dữ liệu đưa ra trong loạt bài của chúng tôi đều có bằng chứng xác thực: bằng văn bản; giấy tờ; File âm thanh (của các nạn nhân, cơ quan quản lý và đặc biệt là file âm thanh ghi lại lời thừa nhận “chạy” xuất khẩu lao động của chính bà Vũ Thị Bích Ngọc). Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc.
Một trong những điểm tương đồng lớn nhất và có hơi hướng nương nhẹ cho bà Ngọc là Sở cũng khẳng định bà Ngọc không chạy cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS mà là chạy theo chương trình Vida E7. Như vậy, một lần nữa bà Ngọc tự tố cáo mình còn sở LĐTB&XH Nam định lại tỏ ra không nắm được công việc do mình phụ trách khi “nghe” theo lời bà Ngọc về cái được gọi là vida E7. Ngày 9/12, trong buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), ông Quỳnh đã khẳng định: Hiện không có chương trình nào tuyển dụng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo visa E7. Hiện, Việt Nam chỉ cung ứng lao động đi làm việc ở Hàn Quốc qua 3 hình thức: Chương trình cấp phép làm việc (EPS); đi làm thuyền viên tàu cá và lao động kỹ thuật cao, ngoài ra không có bất cứ chương trình nào khác nữa”.
Ông Quỳnh nhấn mạnh: Nếu Doanh nghiệp XKLĐ ký được hợp đồng với đối tác Hàn Quốc thì có thể thực hiện, nhưng phải được cục thẩm định, cho phép mới được tuyển dụng lao động. Nhưng hiện nay, cục chưa cho phép bất cứ Doanh nghiệp nào thực hiện đơn hàng như trên.
Cũng liên quan đến chương trình Vida E7, trong buổi làm việc với nhóm PV, ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần XKLĐ, thương mại và du lịch (TTLC) vô cùng bức xúc khi thông báo tạo nguồn chương trình Vida E7 của công ty đang bị bà Ngọc lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Chi tiết thông tin này cũng đã được kỳ 5 của loạt bài điều tra đăng tải trên chương trình Các vấn đề xã hội ngày 8/11. Và ngay sau khi được thông tin vụ việc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần XKLĐ, thương mại và du lịch đã có Công văn số 2982/CV-TTLC ngày 1/12/2011, gửi Công an tỉnh Nam Định và Sở LĐTB&XH Nam Định, đề nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân đã lợi dụng danh nghĩa công ty để thu tiền trái phép của lao động.
Trong những ngày qua nhóm PV Đài TNVN cũng như nhiều cơ quan báo chí khác đã và đang thu thập thông tin, đưa ra trước công luận những vấn đề tiêu cực liên quan đến cán bộ Sở LĐTB&XH Nam Định. Ở đó không còn một mình bà Vũ Thị Bích Ngọc với những nạn nhân Hồng, Cường mà đã có thêm danh sách những nạn nhân khác. Đặc biệt, cũng đã có thêm những nhân chứng tố cáo một số cán bộ của Sở LĐTB&XH có liên quan đến đường dây “chạy” XKLĐ này.
Thiết nghĩ vụ việc tiêu cực này cần được các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, làm rõ để “ổn định tình hình, tư tưởng cho nhân dân, để họ không mắc bẫy các đối tượng lừa đảo, tiêu cực” như lời khẳng định của ông Vũ Quang Vinh-Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Nam Định trong công văn gửi tới Đài TNVN và các cơ quan báo chí khác.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong thời gian gần nhất./.
Nhóm PV/VOV2